TP.HCM liệu có đủ lực để trở thành trung tâm tài chính của khu vực?
Ngày 17.7 các diễn giả tham gia hội thảo Xây dựng TPHCM thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế do Công ty Tài chính nhà nước TP.HCM tổ chức đã nêu cụ thể những tồn tại và thách thức gây cản trở cho TP.HCM trong việc trở thành một trung tâm tài chính (TTTC) khu vực.
Theo TS Trần Du Lịch- thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chủ trương xây dựng TPHCM thành TTTC khu vực đã có từ 15 năm trước. Tuy nhiên cho đến nay mọi ý tưởng xây dựng TP trở thành TTTC khu vực vẫn còn dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần.
Xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước như tổng vốn huy động qua các định chế tài chính, tín dụng trên địa bàn TP so với cả nước từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2000 đã giảm xuống còn khoảng 24% vào năm 2018 (con số này của Hà Nội là 34%).
“ Câu hỏi được đặt ra là liệu TP.HCM có còn đóng vai trò là đầu tàu trong việc phát triển thị trường tài chính nước ta và khẳng định vị thế đối với khu vực trong dài hạn hay không?. So với các TTTC của một số quốc gia trong khu vực như Bangkok, Manila, Kuala lumpur, Singapore… thì TPHCM đang ở đâu?”, TS Trần Du Lịch đặt câu hỏi.
GS.TS Sử Đình Thành- Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng TP.HCM có vai trò hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xét về các yếu tố hội tụ của một TTTC, TPHCM về cơ bản đáp ứng được so với các TP khác trong cả nước. Tuy nhiên dù là trung tâm kinh tế nhưng cơ sở hạ tầng TP quá yếu kém, hạ tầng giao thông chưa xứng tầm của một TP công nghiệp lớn nhất nước; Sân bay, hải cảng chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại làm gia tăng chi phí giao dịch, tạo rào cản để TP phát triển thành TTTC quốc tế. Cho nên xã hội hóa và hiện đại cơ sở hạ tầng có thể làm thay đổi sự cân bằng giữa TPHCM và các nước trong khu vực trong cuộc đua phát triển TTTC.
Đối với chính quyền TP, GS.TS Sử Đình Thành kiến nghị chính quyền TP phải là “người chủ trò” trong việc lựa chọn chiến lược phát triển trung tâm tài chính xét trên các khía cạnh: hỗ trợ, phối hợp và kích thích. Cụ thể như thành lập Ủy ban phát triển TTTC của TP để cùng phối hợp với các cơ quan Trung ương định hướng phát triển hệ thống tài chính trên địa bàn và chia sẻ thông tin hoạt động của toàn hệ thống; Về quy hoạch TTTC của TP.HCM, vị trí chính TTTC tương lai của TP phụ thuộc nhiều vào tiến độ đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trước mắt chính quyền TP cần chỉnh trang lại khu vực TTTC hiện tại ở quận I.
Các ý kiến đóng góp xác đáng của các chuyên gia tại hội thảo này sẽ góp phần trong việc định hướng xây dựng đề cương chi tiết Đề án Xây dựng TP.HCM thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của chính quyền TP.HCM.
TS Trần Du Lịch nhấn mạnh: Phát triển TP.HCM trở thành TTTC quốc tế thì đó là vấn đề của quốc gia chứ không phải vấn đề của chính quyền địa phương. Nếu căn cứ vào pháp luật điều chỉnh của thị trường tài chính thì chính quyền địa phương chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển trên nền tảng thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng một TTTC quốc tế dù dưới hình thức và mô hình nào.
Vì vậy, đề án này phải mang tầm đề án của Chính phủ và TTTC TP.HCM phải thể hiện chủ trương, chính sách và khuôn khổ pháp lý từ Trung ương.
Để trở thành TTTC trước hết TP phải ngày càng khẳng định vị trí vai trò đầu tàu phát triển của vùng và cả nước, nâng cao vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế; TP phải là nơi có TTTC tập trung có quy mô lớn, thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho thương mại, đầu tư theo ý nghĩa của một trung tâm chuyển tải vốn cho nền kinh tế trong nước và có tác động nhất định đối với thị trường khu vực và thế giới….
Theo Bảo Hạnh/ vanhoaonline.vn