Chia sẻ gánh nặng cho doanh nghiệp thời dịch

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng cũng triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi suất, phí… Đặc biệt các ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất thấp hoặc các gói tài chính ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước đã chất thêm khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã từ bỏ cuộc chơi vì không còn đủ sức.

Ông Lê Văn Quân – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT) cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn; không ít doanh nghiệp bị hủy đơn hàng nên buộc phải cắt giảm sản lượng, hoạt động cầm chừng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đối mặt với nguy cơ phá sản do mất khả năng thanh toán…

Do đó, tối ưu chi phí là biện pháp mà các doanh nghiệp đang cần thiết nhất lúc này. Sau hơn 1 năm sống chung với đại dịch, lãnh đạo một công ty du lịch tại Hà Nội chia sẻ, hoạt động của doanh nghiệp luôn đặt trong trạng thái linh hoạt, sẵn sàng thay đổi theo tình hình của dịch bệnh. Khi dịch bùng phát, công ty đã ngay lập tức cho nhân viên làm luân phiên theo ca, cắt giảm mọi chi phí không cần thiết để có thể vơi bớt áp lực về tài chính.

Ảnh minh họa

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may cũng cho biết khi đơn hàng xuất khẩu bị ngưng lại, các doanh nghiệp này đã nhanh chóng đẩy mạnh thị trường trong nước để bù đắp nguồn thu bị thiếu hụt. Đối với lĩnh vực bán lẻ, kinh doanh thực phẩm, các doanh nghiệp cũng nhanh chóng đẩy mạnh kênh bán hàng online để ứng phó với tâm lý ngại đến nơi tụ tập đông người trong mùa dịch.

Tuy đã linh hoạt với nhiều giải pháp để đối phó với dịch bệnh nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, NHNN đã có văn bản số 3947/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD); Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới… theo thẩm quyền và theo quy định tại nhiều văn bản hiện hành như Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, Thông tư số 10/2015/TT-NHNN…

Đặc biệt, các đơn vị tiếp tục cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác… Đồng thời, cần công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng cũng triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi suất, phí… Đặc biệt các ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất thấp hoặc các gói tài chính ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đơn cử như với doanh nghiệp ngành Dược – Y tế, MSB đã dành nguồn tín dụng lớn với lãi suất ưu đãi cùng gói giải pháp tài chính trọn gói, chuyên biệt cho nhóm khách hàng này. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều ưu đãi đặc quyền như: Được cung cấp dịch vụ bảo lãnh dự thầu với tỷ lệ ký quỹ tối thiểu 0%; miễn 100% các loại phí Quản lý tài khoản, Internet Banking/M-Banking, Thuế điện tử, Hải quan điện tử; giảm tới 80% các loại phí chuyển tiền; giảm tới 50% phí tài trợ thương mại.

Từ nay đến hết ngày 31/5/2022, VietinBank cũng triển khai Chương trình ưu đãi lớn chưa từng có dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng các ưu đãi lớn về tỷ giá, phí Tài trợ thương mại & Thanh toán quốc tế và miễn nhiều loại phí khi mở tài khoản thanh toán, sử dụng dịch vụ VietinBank eFAST.

Đặc biệt với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đăng ký tạo hồ sơ khách hàng mới tại VietinBank sẽ được ưu đãi tỷ giá hấp dẫn·và miễn phí duy trì dịch vụ VietinBank Tài trợ thương mại (Trade Portal); miễn phí dịch vụ chuyển khoản ngoại tệ khác chi nhánh; giảm đến 50% các khoản phí liên quan đến sản phẩm chuyển tiền ngoại tệ – nhập khẩu – xuất khẩu…

BIDV cũng vừa triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho DNNVV kinh doanh xuất nhập khẩu. Cụ thể, từ ngày 24/2/2021 đến hết ngày 30/9/2021, khi tham gia gói tín dụng của BIDV, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi với lãi suất từ 3,8%/năm-6,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 3-9 tháng…

Ông Lê Văn Quân – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội ghi nhận, thời gian qua các ngân hàng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… Cùng với đó, các TCTD trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia, với trợ lực từ phía ngân hàng, doanh nghiệp sẽ phần nào vơi đi nỗi lo về chi phí để an tâm vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

NguồnQuỳnh Trang/Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục