Ngân hàng đảm bảo an toàn giao dịch

Hoạt động giao dịch tiền mặt vẫn đang được các ngân hàng ở TP.HCM kiểm dịch chặt chẽ theo Chỉ thị 15 và 16 ở quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc, quận 12 và một số khu vực phong tỏa nhằm đảm bảo mọi giao dịch an toàn thông suốt cho khách hàng.

Theo đó, để đảm bảo cho khách hàng giao dịch tại quầy và giao dịch viên, HDBank đã trang bị găng tay y tế cho nhân viên, khử trùng, sát khuẩn thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt và kho quỹ. Ngân hàng cũng thường xuyên nhắc nhở khách hàng mang khẩu trang y tế, rửa tay sát khuẩn để phòng ngừa dịch bệnh. Ngân hàng cũng đã xây dựng các kịch bản để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 như xây dựng kế hoạch làm việc từ xa, chuẩn bị địa điểm dự phòng, cho nhân viên làm việc theo hình thức luân phiên phục vụ khách hàng và luôn sẵn sàng phương án ứng phó khi một điểm giao dịch hoặc Hội sở phải thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo giao dịch được an toàn và thông suốt.

Đại diện Kienlongbank cũng cho biết, ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19, ngân hàng xác định công tác phòng, chống dịch phải luôn là ưu tiên hàng đầu, chủ trương này thống nhất cao từ ban điều hành, ban lãnh đạo cho đến cán bộ nhân viên, cộng tác viên của 134 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn hệ thống. Theo đó ngân hàng tiến hành nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho khách hàng trong quá trình giao dịch như: đo thân nhiệt và thực hiện khai báo y tế thông qua quét mã QR đối với khách hàng trước khi bước vào quầy giao dịch; đảm bảo mọi khách hàng khi giao dịch đều thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế; tạm ngưng giao dịch sáng thứ 7 đối với một số điểm giao dịch để đảm bảo sự an toàn hơn cho khách hàng.

 

Ngân hàng tăng cường chi phí cho hoạt động khử khuẩn tại các quầy giao dịch

SCB cũng chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho giao dịch ngân hàng an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống. Theo đó, bên cạnh việc trang bị máy đo thân nhiệt tự động đặt tại các tòa nhà chính, ngân hàng còn thường xuyên nhắc nhở khách hàng đến giao dịch thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giãn cách… của Bộ Y tế.

Đặc biệt để khuyến khích khách hàng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ, sản phẩm trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, các ngân hàng đã tặng thêm lãi suất cho người gửi tiết kiệm trực tuyến, gia tăng tiện ích trên ngân hàng điện tử, giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng…

Nhìn chung tất cả các ngân hàng trên địa bàn đều thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống theo hướng dẫn với thông điệp 5K của Bộ Y tế. Theo dõi, đo thân nhiệt và báo cáo lịch trình di chuyển, làm việc của cán bộ nhân viên, cộng tác viên, sử dụng dung dịch sát khuẩn, vệ sinh tại nơi làm việc, các trao đổi, hội họp thông qua hình thức trực tuyến để hạn chế sự tiếp xúc, tụ tập đông người. Từ đó, đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn diễn ra bình thường, cùng với nhân dân cả nước, cùng với khách hàng của mình luôn đảm bảo sức khỏe để vượt qua đại dịch.

Trước khi thực hiện lệnh giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15 và 16 ở các khu vực phong tỏa, NHNN chi nhánh TP.HCM đã có phương án hướng dẫn các TCTD trên địa bàn giao dịch tiền mặt tại NHNN. Theo đó, để đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng, cơ quan quản lý tiền tệ ở TP.HCM đã chỉ đạo các ngân hàng phương án dự phòng xử lý tình huống giao dịch tiền mặt, thường xuyên kiểm tra nắm bắt về nhu cầu tiền mặt tại các máy ATM và đáp ứng đủ các mệnh giá tiền mặt ở quầy giao dịch.

Trong thời điểm phòng chống dịch, tần suất thanh toán tại các máy rút tiền tự động ATM có thể tăng cao, NHNN thành phố tạm thời cho phép các ngân hàng không áp dụng quy định tỷ lệ 60% đối với tiền có mệnh giá lớn để đảm bảo số lượng và cơ cấu loại tiền trong các máy ATM phục vụ nhu cầu người dân rút tiền mặt. Đồng thời, đặt ra hàng loạt các phương án dự phòng như nhân viên ngân hàng phải cách ly y tế, “cách ly tiền mặt” trong các khu vực bị phong tỏa theo quy định kho quỹ thời chống dịch…

Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, các ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ khách hàng khi giao dịch. Chẳng hạn, SCB cũng thực hiện hàng loạt các bản tin cảnh báo khách hàng về những hành vi lừa đảo trong mùa dịch bệnh. HDBank cảnh báo rủi ro đối với khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo, gian lận của các đối tượng xấu lợi dụng dịch Covid-19 để chiếm đoạt tài sản của khách hàng trong tài khoản và thẻ thanh toán…

Các ngân hàng trên địa bàn cũng tích cực tham gia vào công tác phòng chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, trong những ngày toàn thành phố cách ly theo Chỉ thị 15 và 16 đối với các khu vực bị phong tỏa, Đoàn thanh niên thuộc Đảng ủy khối Ngân hàng tại TP.HCM đã chia thành các nhóm đoàn viên thay phiên nhau gửi nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân khó khăn trong khu cách ly. Đặc biệt, thanh niên ngân hàng ở TP.HCM còn tham gia với các ngân hàng phun xịt khử khuẩn thường xuyên khu vực làm việc tại quầy giao dịch ngân hàng và các buồng máy ATM, bố trí giãn cách khu vực tiếp xúc khi giao dịch với khách hàng, lan tỏa thông điệp ngành Ngân hàng chung tay ủng hộ quỹ và hỗ trợ người dân miễn phí chuyển khoản vào quỹ vắc-xin…

Ngân hàng tích cực ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19

Thời gian qua, ngành Ngân hàng rất tích cực ủng hộ cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Theo đó, tại lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã đại diện cho NHNN Việt Nam trao ủng hộ 5 tỷ đồng cho Quỹ. Nhiều ngân hàng cũng chung tay ủng hộ đóng góp cho Quỹ như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, MB, Techcombank, VPBank cùng FE Credit, mỗi đơn vị ủng hộ 60 tỷ đồng; HDBank cùng Sovico ủng hộ 100 tỷ đồng; Bac A Bank cùng Tập đoàn TH ủng hộ 46 tỷ đồng, MSB ủng hộ 30 tỷ đồng, VIB 20 tỷ đồng, SHB 15 tỷ đồng, PVcomBank 15 tỷ đồng, TPBank 10 tỷ đồng, ACB 10 tỷ đồng, Sacombank 10 tỷ đồng…

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thống đốc NHNN, tính đến nay, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Ngân hàng đã dành hơn 1.300 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống Covid-19; trong đó ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ khoảng 700 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, trong khi cán bộ nhân viên ngân hàng cũng thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng nên cần được xem là đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 để đảm bảo ngân hàng giao dịch thông suốt.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

NguồnHải Nam/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục