Sớm hóa giải các nút thắt trong xử lý nợ xấu

Cần luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu để hỗ trợ các ngân hàng thu hồi được nợ tốt hơn.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhu cầu vay cũng như chất lượng tín dụng, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu. Thống kê của FiinGroup, đến cuối quý I/2021, tỷ lệ nợ xấu của 25 ngân hàng niêm yết tăng từ 1,38% lên 1,41% sau khi giảm mạnh trong quý trước. Nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng lần lượt 21,3% và 12,5%. Nợ nhóm 5 tuy giảm 2,5% so với cuối quý IV/2020 nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khá so với tổng nợ xấu.

Theo đánh giá của Fiin, do Thông tư 03 cho phép các ngân hàng có thể quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu hiện tại chưa phản ánh đầy đủ chất lượng nợ của các ngân hàng. Dường như các ngân hàng cũng đang rất thận trọng đối với nợ xấu tiềm ẩn nên tỷ lệ dự phòng rủi ro/nợ xấu đã tiếp tục tăng và ở mức trên 100%. “Với tỷ lệ dự phòng tăng mạnh, có thể thấy các ngân hàng đã mạnh tay hơn trong việc trích lập để chuẩn bị bộ đệm lớn hơn dự phòng rủi ro có thể xảy ra”, Fiin Group nhận định.

Nợ xấu làm “đóng băng” một lượng vốn lớn của các ngân hàng

Để giảm sức ép về xử lý nợ xấu trong tương lai, bên cạnh việc tăng trích lập dự phòng, các ngân hàng đang nỗ lực rao bán tài sản bảo đảm (TSBĐ) để xử lý nợ cũ tồn đọng. Theo đó, Agribank vừa thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của công ty thời trang Luala và Công ty TNHH nhà hàng Nhã Nam với giá khởi điểm cho khoản nợ xấu này được Agribank công bố là 7,6 tỷ đồng. VietinBank cũng là một trong những nhà băng tích cực rao bán TSBĐ để thu hồi nợ xấu nhất là khi đã rao bán nhiều TSBĐ của các khoản nợ xấu. VietinBank cũng là nhà băng lần đầu tiên rao bán khoản nợ xấu tiêu dùng.

Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, thu nhập của người dân sụt giảm nên nhiều TSBĐ dù được rao bán nhiều lần, lần sau hạ giá hơn lần trước, nhưng vẫn chưa thể thanh lý được. Trong khi đó, các vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết 42 vẫn chưa được tháo gỡ nên việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng càng khó hơn. Theo phản ánh của các TCTD, trong quá trình triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, đa phần các khó khăn, vướng mắc các TCTD đang gặp phải liên quan đến khâu xử lý TSBĐ.

Có thể kể đến như áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ còn rất hạn chế. Hay việc mua, bán khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; chuyển nhượng TSBĐ là dự án bất động sản và khoản nợ xấu có TSBĐ của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác; hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự; chuyển nhượng TSBĐ và thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ…

Chẳng hạn như việc áp dụng thủ tục rút gọn, Nghị quyết 42 chỉ quy định giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBÐ, về quyền xử lý TSBÐ của khoản nợ xấu của TCTD… mà chưa quy định được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng của các TCTD với khách hàng vay. Trong trường hợp thuận lợi, ra được bản án theo thủ tục rút gọn mà khách hàng không hợp tác thì TCTD phải chuyển hồ sơ sang cơ quan Thi hành án để buộc khách hàng phải bàn giao tài sản. Trình tự thủ tục thi hành án lại tương đối phức tạp, kéo dài… Vì các vướng mắc trên, dẫn đến hầu hết các trường hợp TCTD phải khởi kiện yêu cầu giao tài sản, quyền xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu, chứ không giải quyết được theo thủ tục rút gọn theo quy định của Nghị quyết 42. Trên thực tế, đến nay các cơ quan Tòa án chưa giải quyết vụ việc nào theo thủ tục rút gọn và thường đề nghị các TCTD khởi kiện theo thủ tục thông thường để giải quyết.

Trước những khó khăn vướng mắc các TCTD đang gặp phải trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, mới đây Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát, chỉ đạo Tòa án các cấp đẩy mạnh việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại điều 8 Nghị quyết số 42 để hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ xấu, tiết kiệm thời gian chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng. Bộ Công an cần có thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa các giai đoạn xử lý thu giữ tài sản, có biện pháp kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa tính mạng, tinh thần của cán bộ ngân hàng tham gia thu giữ tài sản bảo đảm, bảo đảm việc thu giữ diễn ra thuận lợi, phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, phối hợp các cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục thời hạn hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ theo quy định tại Nghị quyết 42.

VNBA cũng đề xuất NHNN kiến nghị các bộ, ngành ban hành các hướng dẫn cụ thể, đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong triển khai Nghị quyết 42, hỗ trợ TCTD thực hiện hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và nguồn lực tài chính của các tổ chức cá nhân có nhu cầu mua nợ nói riêng. Do đó, VNBA đề xuất NHNN xem xét có các hướng dẫn cụ thể về việc mua, bán nợ trả chậm, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ.

Sau gần 4 năm áp dụng Nghị quyết 42, rất nhiều khoản nợ xấu của các TCTD đã được xử lý thu hồi thành công, đặc biệt thông qua thủ tục thu giữ TSBĐ, làm giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu nói chung của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai Nghị quyết 42 còn rất nhiều vướng mắc, bất cập trong khi các chính sách quy định tại Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của TCTD. Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các TCTD, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.

Vì vậy TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng kiến nghị cần luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu để hỗ trợ các ngân hàng thu hồi được nợ tốt hơn. “Việc luật hóa các quy định về xử lý là rất cần thiết. Khi lĩnh vực xử lý nợ xấu có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xửi lý nợ xấu hiệu quả hơn”, lãnh đạo VNBA cũng có chung quan điểm.

NguồnNguyễn Vũ/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục