Cuộc đua CASA giữa các ngân hàng đang ra sao?
Trong cuộc đua hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giữa các ngân hàng, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính, những ngân hàng nhỏ đang bất lợi nhiều bề...
Top ba ngôi vương
Nhằm giảm bớt lệ thuộc nguồn thu từ tín dụng, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh tăng thu nhập ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm, bancassurrance…; cùng với đó là xem xét tối giảm chi phí, bao gồm chi phí huy động vốn.
Nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA) – loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ từ 0,1-0,8%/năm, được xem là một trong những giải pháp giảm chi phí vốn tối ưu. Tỷ lệ này càng lớn thì ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng. Tuy nhiên, trong cuộc đua CASA , nhiều ngân hàng vẫn giữ vị trí đầu bảng từ trước đến nay, còn một số ngân hàng vẫn hụt hơi.
Theo thống kê, kết thúc quý 1/2021, top 3 ngân hàng có tỷ lệ CASA đạt mức cao nhất đó là Techcombank , MBBank và Vietcombank. Với lợi thế về thương hiệu, lịch sử, nhóm ngân hàng này đang thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất.
Cụ thể, tại Techcombank, tổng huy động của ngân hàng này đạt 287,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ CASA là 44,2%, cao nhất trong các ngân hàng trong nước.
Đại diện ngân hàng Techcombank cho biết, để có tỷ lệ CASA cận mốc 45%, ngân hàng đã phải thay đổi phương thức giao dịch truyền thống sang trực tuyến. “Với những thành viên tiên phong dẫn dắt trên lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi đúng hướng để mang đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, Techcombank đã làm được điều đó”.
Đây được xem là thành quả của Techcombank khi có lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử trong năm 2020 cao gấp 12 lần so với các khách hàng không dùng ngân hàng điện tử và luôn duy trì mức tăng cao dần trong nhiều năm qua.
Xếp thứ hai là MBBank, với tổng huy động bao gồm chứng chỉ tiền gửi tăng ̣5% so với cuối năm 2020 lên mức 380,229 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn được cải thiện ở mức 37%.
Trong cuộc chạy đua giữa các ngân hàng, MBBank cũng không ngừng đổi mới sáng tạo khi ứng dụng thành công MB App trên điện thoại. Mặt khác, ngân hàng này còn tung ra chương trình tài khoản số đẹp và thu hút một lượng lớn người tham gia. Bên cạnh đó, một số ngân hàng như MSB, PGBank, TPBank hay VPBank đang có tỷ lệ tăng tốt.
Riêng Vietcombank, tỷ lệ CASA chiếm hơn 30% trong tổng tiền gửi của khách hàng 1.025.547,607 triệu đồng.“Mặc dù lãi suất huy động của Vietcombank thấp nhất thị trường nhưng do khách hàng tín nhiệm, huy động tiền gửi cá nhân của Vietcobank vẫn tăng cao. Riêng tiền gửi doanh nghiệp có giảm do ngân hàng chủ động giảm song xét về tổng nguồn vốn huy động, Vietcombank vẫn dẫn đầu thị trường về quy mô tiền gửi không kỳ hạn”,Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết và khẳng định Ngân hàng có thể hoàn thành tốt hơn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao 10,5% mà NHNN giao.
Ngân hàng nhỏ, khó cạnh tranh
Ngoài ba ngân hàng có thành tích nổi bật kể trên, nhiều ngân hàng tham gia vào cuộc đua này vẫn còn trồi sụt CASA phía sau. Có thể kể đến như SeABank, trong báo cáo tài chính quý 4/2020 cho thấy, dù lượng tiền gửi khách hàng vẫn tăng trưởng tới 18,3% trong năm qua nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn lại sụt giảm nhẹ, xuống còn hơn 11,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ CASA của SeABank theo đó giảm mạnh từ 12,4% hồi đầu năm xuống còn 10,4% kết thúc năm 2020, nằm trong nhóm những nhà băng có CASA giảm mạnh nhất.
Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA ở mức khiêm tốn như NamABank (6,3%) và SHB (9,7%). Thậm chí, BacABank là ngân hàng có tỷ lệ CASA ở mức thấp nhất khi chỉ 1,7% tổng số tiền gửi khách hàng là tiền gửi không kỳ hạn. Kienlongbank và VietBank lần lượt đứng thứ hai và ba với tỷ lệ CASA ở mức 3,3% và 3,8%,…
Câu hỏi đặt ra là, tại sao lại có sự chênh lệch như vậy giữa các ngân hàng? Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng nhận định, trong cuộc đua hút tiền gửi, những ngân hàng có quy mô nhỏ đương nhiên là bất lợi về nhiều mặt. Nguyên nhân chính đến từ mạng lưới giao dịch không phủ rộng, uy tín thấp hơn những ngân hàng lớn và có vốn Nhà nước.
“Thực tế, so với các ngành dịch vụ khác như du lịch, nhà hàng, khách sạn hay kinh doanh bất động sản, thì ngân hàng vẫn có chất lượng dịch vụ chưa được đánh giá cao, về mức độ thân thiện, nhất là với khối tiếp xúc với khách hàng thường xuyên”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, muốn vượt qua rào cản này, các ngân hàng nhỏ phải tăng chất lượng phục vụ, nâng cao kỹ năng mềm của các cán bộ nhân viên, luôn giữ thái độ niềm nở và nhiệt tình giải đáp các khúc mắc của khách hàng.
Khảo sát bảng lãi suất gửi tiết kiệm không kỳ hạn do các ngân hàng công bố, có thể thấy các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đang đưa ra mức lãi suất nhỉnh hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần sở hữu vốn Nhà nước. Cụ thể, lãi suất không kỳ hạn tại Ngân hàng ACB, Ngân hàng Bắc Á 1%/năm; BIDV 0,5%/năm, Vietcombank ở mức chỉ 0,1%/năm… Tuy nhiên, lãi suất không hẳn là yếu tố quyết khi người gửi tiền đã chọn không kỳ hạn, nghĩa là sẽ không chú trọng yếu tố lãi suất. Họ cần khả năng sử dụng thanh toán tiền của mình trong tài khoản với độ phủ rộng, thuận tiện, đặc biệt ưu tiên các lợi ích có được cụ thể như miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống 100%, đi cùng là các lợi ích nếu sử dụng trọn gói dịch vụ sản phẩm tài chính khác của ngân hàng…
Các chuyên gia tài chính ngân hàng đều chung nhận định, bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và trở thành khiến dịch vụ ngân hàng điện tử bùng nổ. Vì vậy, dự báo tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn sẽ ngày càng gia tăng, phục vụ nhu cầu thanh toán, mua sắm trực tuyến của khách hàng. Tuy nhiên, để bứt tốc trong cuộc đua này, các ngân hàng có quy mô nhỏ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tăng mức độ uy tín, phổ rộng mạng lưới hoạt động và có những chính sách hấp dẫn với khách hàng. Đặc biệt là việc chuyển đổi số cần sớm hoàn thiện với các tính năng ưu việt, mới mong cải thiện tỷ lệ hút tiền gửi có chi phí siêu rẻ nhưng lợi ích siêu lợi hại này.