Doanh thu giảm mạnh, hàng loạt quán cà phê rao bán

Trước tình cảnh kinh doanh thua lỗ dù đã sử dụng mọi cách để chống đỡ trong mùa dịch Covid-19, hàng loạt quán cà phê buộc phải treo biển sang nhượng, rao bán. Ngược lại, nhiều người lại coi đây là một cơ hội đầu tư, lập tức xuống tiền mua lại.

Lao đao vì dịch

Tháng 7/2019, anh Dương Đức Anh cùng bạn góp vào số vốn 300 triệu đồng để mở một quán cà phê tại Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Thời gian đầu mới kinh doanh, quán hầu như không có lãi, thậm chí còn phải bù lỗ vì tung ra nhiều chương trình khuyến mãi với ưu đãi cao để thu hút khách. Tình hình kinh doanh mới khả quan được vài tháng thì dịch Covid-19 xảy đến khiến quán của anh phải đóng cửa nhiều ngày. Những tưởng dịch sẽ sớm qua đi, nhưng đã gần một năm rưỡi nay, quán hoạt động trong tình trạng thấp thỏm, tuân theo các quy định phòng chống dịch của thành phố. Dù đã triển khai việc bán hàng online qua các ứng dụng và tung ra nhiều ưu đãi ngay khi được mở cửa nhưng lượng khách đặt đồ online hay đến trực tiếp quán ngày một ít dần.

Quán cà phê của chị An trên đường Đê La Thành đang phải sang nhượng vì dịch bệnh

“Để duy trì hoạt động của quán, mình phải bỏ ra nhiều chi phí như điện, nước, nguyên liệu, nhân viên… tiền đầu tư vào quán cũng không nhỏ, có những giai đoạn phải đóng cửa nhiều ngày, mình chịu lỗ cả chục triệu mỗi tháng. Khách hàng một phần do lo ngại dịch bệnh, một phần cũng có tâm lý chi tiêu tiết kiệm hơn nên lui tới rất ít. Hiện tại doanh thu của quán vẫn chưa giúp mình hoàn lại số vốn ban đầu. Mình và bạn cùng mở quán quyết định rao bán để cắt lỗ, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một lĩnh vực khác”, anh Đức Anh chia sẻ.

Chung tình trạng đó, quán cà phê của chị Lê Thị An tại đường Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội) những ngày này cũng vắng khách ghé qua, doanh thu giảm tới 70% so với thời điểm trước dịch. Mặc dù quán có vị trí đẹp, nằm ngay trên tuyến phố đông đúc, nhiều trường đại học nhưng cũng không giúp tình hình lạc quan hơn. Tuy đã được chủ nhà giảm giá tiền cho thuê, nhân viên cũng cắt giảm phân nửa nhưng trước tình trạng ế ẩm đã kéo dài vài tháng nay, chị quyết định sang nhượng lại quán.

“Số tiền vốn tôi đã rót vào quán tính từ năm 2018 đến nay là 500 triệu đồng, mặc dù trong năm 2019 đã hồi lại vốn nhưng trong những đợt dịch, tôi phải chịu lỗ tiền mặt bằng rất lớn và sau dịch việc kinh doanh cũng không khá hơn là bao. Mặc dù, đối với tôi, quán cà phê này là rất tâm huyết, việc rao bán cũng là một quyết định không hề dễ dàng, nhưng tôi không còn cách nào khác”, chị An ngậm ngùi chia sẻ.

Những quán cà phê trên một số tuyến phố vốn sầm uất trứ danh tại Hà Nội như Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Giảng Võ… hay khu vực phố cổ ngày càng thưa thớt người qua lại. Dịch bệnh chưa có dấu hiệu kết thúc khiến lượng khách giảm mạnh, nhiều cửa hàng cà phê cả buổi không có bóng khách, còn lúc đông cũng chỉ lưa thưa vài người. Một số hàng chuyển sang bán online nhưng cũng khá ế ẩm, chủ một cửa hàng cho biết đang cố gắng cầm cự thêm vài tháng để chờ tình hình khả quan hơn.

Nhiều người nhân cơ hội đầu tư

Trước tình trạng nhiều quán cà phê rao bán thì một số người lại coi đây là một cơ hội tốt để đầu tư ngay thời điểm dịch bệnh. Anh Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) cùng một người bạn đã quyết định sử dụng số vốn tích lũy của mình mua lại một quán cà phê đang rao bán. Theo anh Tuấn, quyết định đầu tư trong thời điểm này xuất phát từ việc đang có nhiều nguồn nhân công rẻ, do nhiều người mất việc và muốn tìm các việc làm tự do để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, khi nhiều quán cà phê trong khu vực đang lao đao vì trải qua nhiều đợt dịch, khả năng phải trả mặt bằng, sang nhượng quán, nếu biết cách đầu tư, đi đúng hướng sẽ có thể thu hút được lượng khách lớn.

Tuy xác định xuống tiền đầu tư trong lúc này cũng là một quyết định tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng theo anh, giá bán lúc này đang tốt hơn nhiều so với thời điểm trước dịch, nếu có phương án kinh doanh hợp lý, xoay chuyển tốt thì vẫn là một cơ hội lớn.

Theo đó, không chỉ dựa vào hình thức bán hàng online hay đưa ra ưu đãi, có một số cách khác để tối đa hóa lợi nhuận của quán như cho thuê để tổ chức sự kiện nhỏ, tạo mini game trên mạng xã hội hay đầu tư vào thực đơn nhiều đồ uống mới, sáng tạo… được kỳ vọng sẽ đem đến hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư lại quyết định mua gói nhượng quyền của các thương hiệu đồ uống nổi tiếng thay vì tự xây dựng một thương hiệu riêng.

Anh Nguyễn Ngọc Dũng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, nhân cơ hội trong thời điểm dịch bệnh, giá nhà cho thuê đang rẻ, anh đã tranh thủ dành thời gian đi tìm những địa điểm kinh doanh có hai mặt tiền tại các con phố lớn, khu đô thị, dân cư đông đúc. Với số vốn 1,2 tỷ đồng, anh quyết định đầu tư vào một quán nằm trên vị trí đẹp ở khu phố cổ Hà Nội với thương hiệu đã quen thuộc với các bạn trẻ.

Thực tế cho thấy, bất chấp dịch Covid-19, cuộc đua mở chuỗi giữa các thương hiệu cà phê vẫn đang diễn ra hết sức gay gắt từ cuối năm ngoái đến nay. Thống kê quý IV/2020 của CBRE Việt Nam cho thấy, số lượng chuỗi cà phê vẫn tăng trưởng hơn 10% và chuỗi cà phê là lĩnh vực duy nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đạt tăng trưởng dương trong giai đoạn 2019-2020.

Tiềm năng của các chuỗi cà phê, đồ uống tại Việt Nam vẫn còn lớn, đặc biệt là các cửa hàng hướng tới giới trẻ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu quyết định đầu tư trong thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần dự trù đủ phương án dự phòng với các tình huống có thể xảy ra, thêm nhiều phương thức kinh doanh mới, sáng tạo, không nên mở ồ ạt theo phong trào.

NguồnHà Chi/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục