Ngân hàng tiếp tục giảm lãi cho doanh nghiệp

Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành kinh tế. Nếu như năm ngoái doanh nghiệp còn “sức khỏe” để chống đỡ, thì năm nay “sức khỏe” của doanh nghiệp đã bị bào mòn đi khá nhiều nên không ít doanh nghiệp không thể cầm cự nổi.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ảnh minh họa

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Thế nhưng có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp có doanh thu đâu mà hưởng lợi giãn thuế. Vì thế điều mà các doanh nghiệp cần nhất hiện tại là được gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất.

Nắm bắt được điều này, ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020, NHNN đã đưa ra một loạt chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, NHNN ngay sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí để hỗ trợ khách hàng.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021, NHNN cũng đã nhanh chóng ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 01 theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian hỗ trợ cho khách hàng. Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cho vay mới cũng như tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo đó, trong năm qua NHNN đã 3 lần cắt giảm các mức lãi suất chính sách, tạo điều kiện cho các TCTD được tiếp cận nguồn vốn rẻ để giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. NHNN cũng đã nhiều lần giảm trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm khá mạnh trong thời gian qua và hiện đang đứng ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia (CIC) mới đây cũng tiếp tục ban hành Quyết định số 198 và 170 về việc giảm trừ tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng của TCTD. Theo đó, các TCTD tiếp tục được hỗ trợ giảm 50% trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng theo từng hợp đồng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng từ ngày 1/1 đến 31/12/2021.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của NHNN, Chính phủ cũng có chính sách gia hạn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cho những TCTD thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Nhờ đó, không chỉ tích cực thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí; các TCTD còn liên tục tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến ngày 31/5/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng, với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. Riêng đợt dịch thứ 4 này, NHNN chỉ đạo các TCTD, đặc biệt là 4 NHTM nhà nước đã giảm lãi suất sơ bộ hơn 3.524 tỷ đồng…

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh quan điểm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất.

Theo đó, hệ thống ngân hàng tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội bằng những hành động cụ thể, chương trình hành động cụ thể, sẽ được Thống đốc NHNN ban hành trong thời gian tới với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để toàn Ngành triển khai thực hiện. Phó Thống đốc cũng giao Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) vận động sự đồng thuận của các TCTD để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, ngay ngày 12/7/2021, VNBA đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các TCTD về việc triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ. Tham dự cuộc họp, đại diện các tổ chức hội viên là các TCTD đã tỏ rõ quyết tâm cùng chia sẻ những khó khăn của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cùng nhau tìm giải pháp hỗ trợ vốn duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Đồng tình với sự đồng thuận, quyết tâm cao của các tổ chức hội viên, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký VNBA chia sẻ: trong giai đoạn hiện nay, ngân hàng cũng phải thắt lưng, buộc bụng để đồng hành cùng doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, việc phân loại đối tượng hỗ trợ chính xác là việc làm cần thiết, vừa cho vay đúng đối tượng, vừa đảm bảo an toàn hệ thống.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

NguồnThu Trang/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục