Gần 500.000 công nhân mất việc, nghỉ luân phiên vì Covid-19

Đã có khoảng 6 vạn F1, 16 vạn F2 là công nhân, viên chức, lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; gần 500 nghìn công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hàng ngày.

Ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – ảnh: Hải Nguyễn

Con số này được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức trực tuyến ngày 14.7.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 với những biến chủng virus mới đã bùng phát mạnh kể từ cuối tháng 4 đến nay tiếp tục tác động mạnh mẽ tới công nhân lao động với trên 9.450 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại địa bàn 35 tỉnh, thành phố, chiếm tỷ lệ hơn 31% tổng số ca lây nhiễm cộng đồng. Đã có khoảng 6 vạn F1, 16 vạn F2 là công nhân, viên chức, lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; gần 500 nghìn công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hàng ngày.

Ông Đào Ngọc Dung – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội cho biết, trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Như vậy, so với quý I năm 2021, dịch COVID-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng. Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4% (quý I là 540.000 người); 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn (có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, ở nông thôn là 14,3%).

Sự bùng phát lần thứ tư của dịch COVID-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Khu vực dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, lao động có việc làm quý II là 19,4 triệu người, giảm 1,32% so với quý I.

Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn…

Mới đây, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 quy định việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

NguồnChâu Cao / Doanh nghiệp và Tiếp thị
Bài cùng chuyên mục