Sữa xuất khẩu sang Trung Quốc: Doanh nghiệp Việt vừa mừng vừa lo!

Trung Quốc đã chính thức thông qua Nghị định thư về các yêu cầu, tiêu chuẩn cho phép sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Tuy nhiên những siết chặt về yêu cầu tiêu chuẩn sữa khiến các doanh nghiệp không khỏi vừa mừng vừa lo.

Sau vụ bê bối sữa nhiễm Melamine năm 2008, những quy định và yêu cầu của Trung Quốc trở nên nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Hiện tại, những quy định, quy chuẩn về sản xuất, sản phẩm sữa, cũng như các bài kiểm tra an toàn, hệ thống pháp luật quản lý chất lượng sản phẩm sữa của Trung Quốc được cho là chặt chẽ nhất thế giới.

Theo quy định tại Nghị định thư giữa 2 nước, hiện nay quy định nhập khẩu sữa vào Trung Quốc rất chặt chẽ, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, mã số HS. Nghị định thư nói rõ giám sát dịch bệnh, chất tồn dư trong sữa và sản phẩm sữa, đặc biệt chú ý không mắc các bệnh: Lở mồm long móng, dịch hạch, lao bò.

Tổng cục Hải Quan (TCHQ) Trung Quốc cho biết sẽ đánh giá hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của các quốc gia, khu vực xuất khẩu sữa sang Trung Quốc theo quy định và pháp luật của nước này.

“Sau khi đánh giá, giấy chứng nhận y tế cho việc xuất khẩu các sản phẩm sữa của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ vào Trung Quốc do TCHQ Trung Quốc công bố. Nếu sản phẩm của các nước không đáp ứng yêu cầu thì không được nhập” – đại diện Hải quan Côn Minh (Trung Quốc) cho hay.

Đồng thời, các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, khi xuất khẩu sản phẩm nông sản và sữa sang Trung Quốc phải vượt qua các yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc (FAD).

Phía Trung Quốc cũng quy định cụ thể về bao bì, nhãn mác, đóng gói (nhất là sữa bột cho trẻ em). Và tất cả sản phẩm nhập sang Trung Quốc phải được in hoàn toàn bằng tiếng Trung trên bao bì.

Các doanh nghiệp sản xuất ở nước ngoài khi đăng ký phải làm rõ loại và nhãn hiệu sữa dự định xuất sang Trung Quốc. Tất cả thông tin trên bao bì, nhãn mác (nhất là đối với sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em) phải thể hiện bằng chữ Hoa. Từ ngày 1/5/2014, sản phẩm sữa của các doanh nghiệp nước ngoài chưa đăng ký thông tin không được nhập sang thị trường này.

Theo đó, những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu sẽ bị lưu giữ tại chỗ, sau đó tùy hình thức, mức độ mà tiêu hủy hay tái xuất.

Sữa organic đang là xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng trong đó có Trung Quốc. (Ảnh: Kim Ngọc).

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, cho hay Việt Nam hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc. Một trong số đó là TH true Milk. Doanh nghiệp này đi đầu trong việc đầu tư xuất khẩu sữa sang thị trường tỷ dân này. Bà Thái Hương, nhà sáng lập và tư vấn chiến lược của Tập đoàn TH, cam kết sẽ sẽ làm ra các sản phẩm đạt chuẩn các yêu cầu khắt khe nhất để tăng giá trị sản phẩm sữa Việt.

TH cũng là một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, trước khi Nghị định thư được ký kết.

Khi Nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết chính thức, thì với việc sớm có lộ trình, kế hoạch và thực thi công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm sữa tươi / sữa chua vào Trung Quốc, TH có thể sẵn sàng phân phối các sản phẩm thực phẩm, nông sản và đặc biệt là các sản phẩm sữa, các sản phẩm từ sữa tươi, sạch, hữu cơ mang thương hiệu TH true Milk tới các vùng trọng điểm của thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, TH đã có công ty chi nhánh thực hiện việc phân phối sản phẩm tại Quảng Châu, trong đó triển khai hợp tác với các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn như C- Store (chuỗi 420 cửa hàng); Circle -K (chuỗi 76 cửa hàng). Cùng với đó, TH đã xây dựng hệ thống nhà phân phối ở Thâm Quyến, Quảng Tây, Hồng Kông và sẽ mở rộng hệ thống phân phối tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam còn cho biết, việc kiểm định, kiểm tra sự đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm sữa Việt sang Trung Quốc, trong quá trình đàm phán Nghị định thư, đoàn thanh tra phía Trung Quốc đã có nhiều chuyến làm việc tại Việt Nam, trong đó đã có chuyến công tác tới trang trại TH ở Nghĩa Đàn, Nghệ An để đánh giá về năng lực quản lý, giám sát, chẩn đoán dịch bệnh đàn bò, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, kiểm tra thực tế điều kiện sản xuất của trang trại TH.

Với mô hình trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất và quản trị, khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch, kết hợp tinh hoa của thế giới với trí tuệ Việt, hoàn toàn đáp ứng các quy chuẩn, quy định của thị trường Trung Quốc, TH đã sẵn sàng cho các đơn hàng lớn xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm, nông sản và sữa, các sản phẩm từ sữa tươi, sạch, hữu cơ sang thị trường đầy triển vọng Trung Quốc.

Theo Kim Ngọc/ Nguoitieudung

 

Bài cùng chuyên mục