Nợ xấu có khả năng mất vốn của HDBank tăng hơn 31,5%

6 tháng đầu năm 2021, HDBank báo lãi lớn với tốc độ tăng 44,2%, tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này cũng tăng lên 971.925 tỉ đồng (tăng 31,5% so với cùng kỳ).

Giao dịch tại HDBank
ẢNH T.X

Lãi từ đầu tư chứng khoán tăng đột biến

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2021. Con số ấn tượng nhất nhà băng này thông báo tới cổ đông là lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 44,2% so với cùng kỳ, đạt gần 4.200 tỉ đồng. Cùng với đó thì nợ xấu hợp nhất chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng dư nợ.
HDBank đánh giá, 6 tháng đầu năm, kết quả trên khá mạnh mẽ và dựa trên nền tảng vững chắc. Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất cho thấy, lãi của HDBank đến từ tất cả các mảng từ thu nhập lãi thuần, dịch vụ, đầu tư…

Có một điểm cần chú ý là trong khi thu nhập lãi thuần chỉ tăng trưởng hơn 20% thì lãi thuần dịch vụ tăng 185,6%. Thu từ dịch vụ tốt thể hiện lợi thế mảng bán lẻ của HDBank đang phát triển đúng hướng, tệp khách hàng cá nhân được mở rộng. Bên cạnh đó là lợi thế nhất định từ mạng lưới khách hàng của VietJet Air và công ty con (Công ty tài chính TNHH HD SaiSon).

6 tháng đầu năm cũng ghi nhận đội ngũ đầu tư của HDBank hoạt động tương đối hiệu quả khi mang về hơn 452 tỉ đồng lãi từ đầu tư chứng khoán (tăng 420%). Với các kết quả trên, HDBank đạt tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế gần 4.200 tỉ đồng, cao nhất kể từ năm 2016 và cao hơn mức bình quân của hệ thống.

Giá HDB tăng chậm hơn nhiều so với các cổ phiếu ngân hàng khác
ẢNH T.P

Rủi ro từ nợ xấu có khả năng mất vốn

Tuy nhiên, với một ngân hàng, lợi nhuận cao chưa nói lên được điều gì mà quan trọng hơn cả là chất lượng tài sản, khả năng quản trị rủi ro. Bởi, trong cơ cấu tạo ra lợi nhuận, việc phân loại các nhóm nợ xấu như thế nào và trích lập dự phòng rủi ro bao nhiêu sẽ mang yếu tố quyết định hơn cả.

Tại HDBank, 6 tháng đầu nay năm, nợ xấu hợp nhất là hơn 2.327 tỉ đồng, chiếm 1,21% tổng dư nợ, giảm nhẹ – khoảng 0,06% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ giảm xuống thì nợ có khả năng mất vốn lại tăng lên 971.925 tỉ đồng (hơn 31,5%). Điều đó mang tới một khả năng, nhiều khoản vay tại ngân hàng này đã bị quá hạn 1 năm hoặc đã được cơ cấu nhưng khách hàng không trả được nợ… Ngoài ra, nợ cần chú ý của HDBank cũng tăng khoảng 12% so với cùng kỳ, lên hơn 2.532 tỉ đồng.

Về dự phòng rủi ro tín dụng, đầu năm 2021, HDBank có số dư hơn 1.935 tỉ đồng thì thời điểm 30.6.2021 chỉ tăng nhẹ khoảng 5,6% lên 2.044 tỉ đồng. Nó cho thấy nguồn trích lập dự phòng của HDBank chỉ vừa đủ để xử lý nợ xấu và so với hệ thống, tỷ lệ dự phòng/nợ xấu (khoảng 106,5%) của nhà băng này là gần như thấp nhất.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, nguy cơ đóng cửa, phá sản, rõ ràng một “bộ đệm” phòng thủ để xử lý nợ thấp sẽ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Điều này càng phải chú ý hơn khi HDBank đã tăng tổng tài sản 36,5% và dư nợ cho vay cũng tăng 19,6% so với cùng kỳ. Cùng với đó thì tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới trong 6 tháng đầu năm cũng tăng 0,7% (trong khi cả năm 2018 chỉ tăng 0,6%, năm 2019 tăng 0,7% và năm 2020 là 1,4%).

Một yếu tố cũng cần phải lưu ý đối với nợ xấu của HDBank là Công ty Tài chính TNHH HD SaiSon. 6 tháng đầu năm, công ty này mang lại lợi nhuận trước thuế 590 tỉ đồng, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ lệ nợ xấu đã vọt lên 5,8% tổng dư nợ, bằng cả năm 2020. Chứng tỏ lượng khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ do tác dụng của dịch Covid-19 đang tăng lên rất nhanh.

Về thị giá cổ phiếu, đóng cả phiên giao dịch sáng 4.8, HDB có mức giá khoảng 35.000 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 25% so với thời điểm đầu năm 2021. Tốc độ này thấp hơn rất nhiều so với các nhà băng khác như MBB, SHB, VPB, TCB… khi tăng gần 100%.

Trước đó, theo thông tin được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố, ngày 27.8 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để HDBank lập danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu.
Cụ thể, theo phương án được phê duyệt, nhà băng này dự kiến phát hành 398,4 triệu cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ phân phối 25% và tăng vốn thêm hơn 3.984 tỉ đồng. Nguồn vốn để phát hành từ lợi nhuận chưa phân phối tích lũy theo báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định.

Bài cùng chuyên mục