Dịch vụ tài chính giúp ngân sách vượt khó

Thu NSNN 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, trong đó, một số ngành tăng trưởng khá như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...

Báo cáo của Tổng cục Thuế vừa mới đây công bố cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021 tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 763,805 nghìn tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2020. Theo cơ quan này, thu NSNN 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, trong đó, một số ngành tăng trưởng khá như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô…

Quả vậy các ngân hàng sau nhiều năm đầu tư công nghệ, phát triển ngân hàng số đến nay đã bắt đầu thu hồi lợi nhuận từ các dịch vụ thanh toán, tiền gửi online, bảo hiểm… Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 xảy ra người dân phải thực hiện các quy định giãn cách xã hội chủ động sử dụng nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng trực tuyến làm tăng doanh số dịch vụ ngân hàng điện tử.

Hệ thống ngân hàng còn miễn phí chuyển tiền, thanh toán, trên kênh ngân hàng số, khuyến khích người dân đưa tiền vào tài khoản chờ thanh toán các dịch vụ thiết yếu điện nước, cước phí viễn thông, bảo hiểm nhân thọ, gửi tiết kiệm trực tuyến nở rộ. Ngân hàng số nào càng có tiện ích, thuận tiện, nhanh chóng càng thu hút nhiều tiền mặt ngoài xã hội vào ngân hàng tập trung luân chuyển trên tài khoản thay vì chi tiêu tiền mặt nhỏ lẻ.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 của nhiều ngân hàng cho thấy, tốc độ phát triển lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tăng trung bình 20-30% mỗi tháng, lượng khách hàng mở tài khoản thông qua ứng dụng di động cũng tăng mạnh, tiền gửi trực tuyến tăng về số lượng và giá trị giao dịch, trở thành kênh gửi tiết kiệm chính của nhiều khách hàng. Nhờ đó, thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng tăng trưởng ở mức khá cao.

Chứng khoán cũng nằm trong một số lĩnh vực có tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm, tạo nguồn thu cho NSNN trong đại dịch. Thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng đầu năm có tốc độ tăng trưởng thứ hai châu Á. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2021 có gần 721.000 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân mở mới. Con số này lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới của cả năm 2019 và 2020 cộng lại. Nguyên nhân được các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân có xu hướng coi chứng khoán là một kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro và có thể sinh lời.

Dòng tiền mới tham gia thị trường là một trong những nguyên nhân khiến VN-Index thiết lập các đỉnh cao mới, giá trị giao dịch tăng liên tục trong các tháng đầu năm, tiền đổ mạnh vào chứng khoán đưa tổng số thuế phí thu từ hoạt động chứng khoán lên 3.000 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm tăng gấp 2,47 lần so với cùng kỳ.

Bất động sản cũng tạo ra nguồn thu cho NSNN nhờ các dự án bất động sản chuyển nhượng trong những tháng đầu năm đã làm tăng thu thuế từ hoạt động này ước khoảng 9.500 tỷ đồng.

Ngân sách tăng thu được từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản có yếu tố chính sách và điểm rơi thị trường, khi các dự án bất động sản chuyển nhượng và hoạt động mua bán sáp nhập giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài diễn ra hết sức sôi động trong những tháng đầu năm. Trong quá trình đó, phát sinh các hoạt động đánh giá lại các khoản phải thu và những hình thức góp vốn, chuyển nhượng vốn… đã tạo nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4 đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Điều đó sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách những tháng cuối năm. Tổng cục Thuế cũng nhìn nhận, mặc dù số thu 7 tháng đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với mức thực hiện cùng kỳ những năm gần đây do thu NSNN 4 tháng đầu năm đạt khá nhưng diễn biến thu qua các tháng có xu hướng giảm dần và đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay, thu thuế, phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6%, tháng 7 ước giảm 10,4%.

Theo các chuyên gia, thu ngân sách chỉ tăng bền vững khi sản xuất kinh doanh phục hồi. Muốn vậy cần sớm khống chế được dịch Covid-19, đặc biệt là tại những trung tâm kinh tế lớn.

Nguồn Minh Phương/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục