Helen và bàn tay khô cằn ‘nhóm lửa’ 26 bếp ăn 0 đồng

Một cô gái ngoài 30 bước ra khỏi hào quang công việc, quay cuồng với bếp ăn từ thiện 0 đồng mùa dịch đến mức bàn tay cô trở nên khô cằn, người ta gọi cô là Helen.

Chiều Sài Gòn mưa tầm tã, đường phố vắng tanh, người dân vẫn đang tiếp tục thực hiện mệnh lệnh “không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết”. Ấy thế, từ trong màn mưa mù mịt, bóng người nhỏ thó trên chiếc xe máy “quá tải” dần hiện.

Rỉ tai với anh dân quân gác chốt, chúng tôi thắc mắc tại sao thời điểm này shipper (người giao hàng) vẫn được hoạt động. Chưa kịp nhận lời hồi đáp thì shipper đặc biệt này đã được lực lượng gác chốt ra hiệu cho đi qua, kèm theo nụ cười thương mến.

“Là Helen, chị không biết Helen sao? Tụi em tưởng Helen nổi tiếng với báo chí lắm chứ”, dù lớp khẩu trang đã che nửa khuôn mặt, chúng tôi vẫn thấy rõ được vẻ ngạc nhiên của cậu dân quân gác chốt. Cũng từ đây, chúng tôi “nên duyên” với Helen.

Người “nhóm lửa” hàng chục bếp ăn 0 đồng

Chúng tôi gặp lại Helen tại một điểm tập kết rau củ cho các bếp ăn 0 đồng vào ngày Sài Gòn nắng rực. Ấn tượng từ ngày mưa giúp chúng tôi dễ dàng nhận ra cô gái gốc Quảng Ngãi. Helen tên thật là Nguyễn Thị Thu Thuỷ – người “nhóm lửa” cho 26 bếp ăn 0 đồng tại TP.HCM trong mùa dịch.

Phải kể đến “hành trình” chúng tôi tìm ra Helen. Nói dễ thì không phải, mà nói khó cũng chẳng đúng. Bởi gõ tìm kiếm trên google thì không cho ra kết quả nào liên quan đến cô gái 33 tuổi này.

Với keyword “thiện nguyện” từ cậu dân quân, chúng tôi bất ngờ khi bắt gặp cái tên này ở “mọi mặt trận” hỗ trợ trong thời gian Sài Gòn cảm bệnh. Từ hỗ trợ thiết bị y tế cho các bệnh viện dã chiến, chuẩn bị bữa ăn cho hàng nghìn y bác sĩ tuyến đầu, đến việc lo từng liều thuốc cho các F0 có hoàn cảnh khó khăn… Cứ ở đâu cần là cô có mặt.

Vẫn là chiếc xe máy “quả tải” ngày hôm đó, hôm nay cũng không khá hơn là mấy. Nào là mì, là gạo, là rau củ, là trứng sữa… Chiếc xe trở nên “đa-zi-năng” như chính chủ của nó khi “tải” đủ thứ trên đời.

Chưa kịp dựng chống xe, cô gái trẻ đã đã bị mấy cô cậu trong điểm tập kết chạy tới quát xối xả: “Đã bảo bao lần rồi, chở cái gì đi đâu thì nói tụi em. Chạy xe máy đã không vững, không thạo còn chở đầy đồ thế này. Thật không thể thương Helen nổi!”. Quát là thế, nhưng nhìn ánh mắt những con người này đủ biết họ thương cô gái có tấm lòng thiện nguyện đến nhường nào.

Hỏi chuyện mới biết, cô chỉ mới biết chạy xe máy. Những ngày Sài Gòn chưa có dịch, cô không phải là cái tên lạ lẫm trong giới doanh nhân. Cô được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Helen Yachts”.

Thật khó để tin rằng, một nữ cố vấn của các tập đoàn lớn, chuyên kinh doanh du thuyền, thiết bị y tế, đi công tác nước ngoài như cơm bữa…, giờ đây lại cởi bỏ ánh kim xa xỉ mà khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, tập chạy xe máy để len lỏi vào các con hẻm cứu giúp người nghèo.

Để cảm nhận rõ hơn nhân vật đặc biệt này, chúng tôi phải nhờ một bạn trong đội thiện nguyện “bắt cóc” cô ra khỏi bãi rau củ. Bởi theo lời một bạn trong đội: “Helen cứ làm liền tay thôi, muốn nói gì thì phải nói luôn với chị ấy. Chứ không, chị ấy chạy qua điểm khác mất đấy”.

Bằng nụ cười tít mắt, dù chưa nói câu nào, Helen đã cho người đối diện một cảm giác thật gần. Chúng tôi bỗng cay xè mắt khi nhìn xuống đôi tay nhăn nheo của cô. Phải nói là chúng tôi chưa từng thấy một bàn tay như thế, nhăn nheo như những cụ già ngoài 90. Đến giờ, chúng tôi vẫn còn ám ảnh bởi bàn tay ấy.

“Đôi tay xấu xí. Chết rồi, để chị thấy rồi. Nhẽ ra tôi phải giấu đi mới phải”, nói rồi cô ngại ngùng giấu tay về sau. Đôi tay đặc biệt đấy là “thành quả” của gần 3 tháng mang găng tay bảo hộ dãi gió dầm mưa.

Bàn tay nhăn nheo của Helen sau gần 3 tháng dãi gió dầm mưa. (Ảnh: Thy Huệ)

Trò chuyện chưa đầy 10 phút, Helen vội xin lỗi chúng tôi vì phải tạm dừng. Cô phải qua xưởng oxy để xử lý việc vì có người cần gấp. Trước khi đi, cô không quên nhờ một bạn tình nguyện viên thêm chúng tôi vào các nhóm thiện nguyện mà cô đang điều phối để cảm nhận chân thực hơn.

Đưa danh sách hơn 30 nhóm trò chuyện ở Zalo, bạn tình nguyện viên ngỏ lời xem chúng tôi muốn tham gia nhóm nào. Thêm một lần nữa ngỡ ngàng. Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng thật khó để tin rằng, cô gái mảnh dẻ Helen đang điều phối hàng trăm con người tham gia công tác tình nguyện.

Team các bếp, Team điều phối, Biệt đội hỗ trợ dược, Biệt đội vận chuyển, Biệt đội bốc hàng, Biệt đội tiêm siêu tốc, Hỗ trợ cấp cứu, Hỗ trợ BV dã chiến số 16, Hỗ trợ BV quận 4, Hỗ trợ mai táng, Hỗ trợ chỗ ở, HVQY hỗ trợ dân, Chống dịch QY354… và còn rất dài, rất dài.

10 phút ít ỏi trò chuyện cũng vừa đủ giúp chúng tôi “gom” dữ liệu: Với niềm say mê thiện nguyện từ trước, khi Sài Gòn bùng dịch Helen liền “xắn áo” xông pha. Ban đầu là kế hoạch dùng tiền túi hỗ trợ kinh phí cho một số nơi, tuy nhiên ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân xin hỗ trợ, giúp đỡ. Cứ thế, cô bị cuốn vào lúc nào không hay.

Bạn bè, đồng nghiệp của cô nhiều người nửa đùa, nửa thật: “Sau dịch có khi mày phá sản mất Helen ạ!”. Dù nói vậy, khi Helen cần hỗ trợ, họ đều là những người có mặt đầu tiên.

Đều là doanh nhân, với các mối quan hệ có sẵn, Helen cùng bạn bè cứ thế tìm các nguồn hàng từ thiết bị y tế, lương thực, đến thuốc men… để hỗ trợ cho những nơi nào cần. Dần dà, chẳng biết từ đâu, cơ duyên không biết từ mối đoạn nào mà cô đã trở thành người “nhóm lửa” cho hàng chục đội nhóm thiện nguyện như hiện giờ.

Thêm cái lạ lùng nữa, tổng thành viên các đội nhóm mà Helen tạo dựng thì có đến 80% là người cô không quen biết. Số ít sau này gặp từ các điểm tập kết hàng hoá, người này rủ người kia… Ngoại trừ việc hỗ trợ thiết bị y tế cho các bệnh viện, phản ứng nhanh với các F0, hiện cô đang điều phối và hỗ trợ 26 bếp ăn cùng hàng chục gian hàng 0 đồng tại TP.HCM.

Bếp Hải Phượng (quận 2), Bếp Phước Sơn (quận Bình Thạnh), Bếp Trị (quận 5), Bếp Lộc (quận 3), Bếp Gò Vấp, Bếp Thủ Đức… là những bếp ăn đã quá quen với lực lượng tuyến đầu chống dịch. Mỗi ngày, 26 bếp cung cấp gần 20.000 suất ăn đến các bệnh viện dã chiến, các chốt trực, hoàn cảnh khó khăn tại các tất cả các quận huyện TP.HCM.

“Em làm chung với Helen gần 2 tháng rồi. Từ bữa đầu chị đã dặn tụi em là nhắm làm được thì làm vì sẽ cực lắm. Mà cực thiệt, thế mà chị ấy làm công suất gấp trăm lần tụi em. Các nhóm tụi em ai cho gì cũng lấy, trừ mỗi tiền. Nếu thiếu cái gì thì chị lại bỏ tiền túi ra mua”, cô tình nguyện viên kể.

Nên duyên với Helen

Chúng tôi, hiện giờ mỗi ngày đều trò chuyện với Helen. Chẳng phải trò chuyện như mục đích ban đầu là để có một phóng sự hay, mà giờ chúng tôi là những thành viên đồng hành cùng cô. Chúng tôi cũng tập làm thiện nguyện.

Tại TP.HCM, Bình Dương, hay bất kỳ nơi nào có người cần trợ giúp, chúng tôi chỉ cần kết nối với các đội nhóm. Người dân cần thuốc sẽ được trao thuốc, cần oxy được chuyển oxy, cần lương thực được gửi lương thực…

Giờ mới chợt nhớ cái thắc mắc của bản thân trong ngày gặp Helen ở điểm tập kết rau củ. Lúc đó, mọi người, bất kể là lớn hay nhỏ tuổi hơn đều gọi cô là Helen, không có danh xưng kèm theo. Thắc mắc này vẫn được chúng tôi giữ lại, nhưng giờ thì tự mỗi người đều đã có lời giải. Là mọi người muốn gọi thế, vừa gần gũi vừa thân thương.

Hồi mới được thêm vào các nhóm với mục đích cảm nhận chân thực hơn hoạt động thiện nguyện, chúng tôi không ít lần lặng người trước cách Helen ân cần với mọi người: “Hương ơi, lát anh Bình chở đồ đến em kiếm bánh sữa gì cho ảnh ăn với nha, sáng giờ ảnh chưa ăn gì”, “Em ơi, chú F0 bên quận 4 ở một mình tội quá, em thêm nhiều sữa và đồ ăn cho chú nha”, “Mấy chú bộ đội phụ bốc hàng thương quá em, em đem sữa cho các chú mang về nhé”…

Dù bận điều phối các nhóm lớn, sắp xếp giấy tờ đi đường, nguồn hàng, Helen vẫn không quên quan tâm những điều nhỏ nhất. Duy chỉ bản thân mình, nhiều lúc cô quên rằng mình cũng cần ăn uống, nghỉ ngơi.

Gần 3 tháng chống dịch cũng là thời gian Helen không có một bữa ăn đúng nghĩa, một giấc ngủ trọn vẹn. Với khối việc công việc khổng lồ và quá nhiều đầu mối, trả lời hàng trăm tin nhắn cần hỗ trợ, điều phối kết nối nhiều đội nhóm khác nhau. Mỗi ngày, cô bắt đầu công việc từ lúc 6 giờ sáng và kết thúc lúc hơn 3 giờ sáng. Có nhiều đêm ngủ lại ở các điểm tình nguyện.

Những ngày Sài Gòn trên 5.000 ca nhiễm, chúng tôi lo lắng cô gái nhỏ không còn sức để gồng ráng. Trong số chúng tôi, mỗi người, dù ít cũng đã một vài lần khuyên Helen tạm nghỉ dưỡng sức. Thế nhưng lần nào cũng được cô đáp lại bằng giọng ráo hoảnh: “Helen nghỉ sao được khi mọi người còn làm. Helen khỏe lắm, không sao đâu”.

Mà cũng đúng. Thiện nguyện, đã không làm thì thôi, còn làm thì không bao giờ hết việc. Trong suy nghĩ của Helen, một phút nghỉ ngơi thì có thể một mảnh đời khó khăn đã bị bỏ qua. Có thể là người già, em bé, người tật nguyền; các bếp ăn 0 đồng hết thực phẩm, các gian hàng 0 đồng không còn hàng; các bệnh viện cần hỗ trợ thiết bị y tế…

Trong thời gian đồng hành cùng Helen, chúng tôi chứng kiến không ít lần cô phải lựa lời từ chối các thương vụ bạc tỷ. Nói lựa lời vì những người đề nghị hợp tác đều là đối tác lâu năm, họ đang muốn nhập các thiết bị, đồ dùng y tế. Bởi chỉ có y tế mới “hái” ra tiền trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Thế nhưng, bỏ qua lợi nhuận, cô quyết định tự “ôm hàng” để gửi tặng các bệnh viện.

Tính đến nay, Helen cùng các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm đã kết nối hỗ trợ hơn 2 triệu suất ăn, 20 nghìn viên thuốc, 2 nghìn tấn rau củ, hàng nghìn bộ đồ bảo hộ và hàng nghìn túi thực phẩm đển những nơi cần giúp đỡ.

Với quan niệm yêu thương cho đi là yêu thương giữ được mãi, đối với Helen, có thể cô đã đánh mất thời khắc thuận lợi để làm giàu nhưng đổi lại, cô đang có được những phút giây ý nghĩa, đáng sống nhất của đời người.

Đồ họa Hà Thành

 

Bài cùng chuyên mục