Doanh nhân Việt lập công ty ở Mỹ bán giày dép ‘Made in Vietnam’ ra toàn cầu

Đẹp trai, ăn mặc thời trang, giọng nói nhẹ nhàng, phong thái lịch lãm, chàng trai Đà Lạt Phùng Lê Lâm Hải có vẻ ngoài lãng mạn ấy thực ra là một người rất nghiêm túc, quyết liệt, thực tế với khát vọng đưa thương hiệu của Việt Nam chinh phục toàn thế giới.

Phùng Lê Lâm Hải, Chủ tịch kiêm CEO SAADO

Bán sỉ 25.000 đôi giày sandal trong vòng 6 tháng, phủ sóng khắp 40 tỉnh thành trong vòng 9 tháng, sau 1 năm có mặt tại 5 nước Mỹ, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, và chuẩn bị sản xuất và tấn công thị trường Nepal và Ấn Độ. Bí quyết của Phùng Lê Lâm Hải, Chủ tịch kiêm CEO SAADO chính là nhờ mô hình “Khởi nghiệp ít vốn” với chiến lược marketing 0 đồng.

Thần tốc

Bước vào thị trường với sự lựa chọn phát triển thương hiệu bằng sandal sản xuất, thiết kế, phân phối và marketing 100% tại Việt Nam nhưng đăng ký bản quyền thương hiệu tại Mỹ, có trụ sở tại Mỹ, để tận dụng ưu đãi thuế với các sản phẩm nội địa Mỹ, cách đi của SAADO rất khác biệt so với các sản phẩm giày dép cùng ngành.

Với hai vũ khí phân phối là bán online và mối quan hệ quốc tế tốt, thị trường đầu tiên của SAADO là Cambodia, tháng đầu tiên bán 300 đôi để thử nghiệm quan sát nhu cầu, tạo mối quan hệ “win-win”. May mắn SAADO đã nghiên cứu thị trường khá kỹ trước khi tung hàng nên đã nhận được phản hồi tích cực, người dân Cambodia rất thích chất liệu nhẹ nhàng và mẫu mã trẻ trung của SAADO.

Tiếp theo là tấn công sang thị trường Lào, và sau 2 tháng, tại 2 thị trường này, số lượng trung bình đạt được từ 900 – 1.200 đôi/tháng. Sau đó đến thị trường Myanmar, lô hàng xuất đầu tiên 3.000 đôi sản phẩm được đón nhận tuy thương hiệu còn rất mới.

Lý giải vì sao lại lấy bản quyền thương hiệu Mỹ, Phùng Lê Lâm Hải cho biết: “Thực tế 90% sản phẩm giày dép theo ước tính ở Mỹ do Việt Nam sản xuất, gia công. Là thương hiệu được bảo hộ thương hiệu tại Mỹ, có trụ sở tại bang Texas, nhưng SAADO không chỉ bán ở Mỹ, mà còn tấn công các thị trường tiêu dùng hấp dẫn khác tại châu Á.

Lấy thương hiệu được bảo hộ tại Mỹ (Product of USA, Made in Vietnam) làm bàn đạp tấn công các thị trường quốc tế, để bán với giá 29,99USD, tránh được thuế 30% vì họ bảo hộ cho doanh nghiệp nội địa của mình, đó là lợi thế cạnh tranh. Toàn bộ khâu sản xuất, thiết kế, bán hàng, vận hành do đội ngũ SAADO tại Việt Nam đảm nhận hết. Nghĩa là quốc tịch Mỹ, hồn vía Việt Nam!

SAADO lập dự án riêng Chevalier Business Review chuyên về huấn luyện và đào tạo kinh doanh, với sứ mệnh hỗ trợ dự án “Khởi nghiệp ít vốn cùng SAADO”, đó là thế mạnh của tôi trong ngành thời trang, một lợi thế khá đặc biệt.

Sắp tới SAADO chuẩn bị tấn công thị trường đạo Hồi như Malaysia, Indonesia, Brunei, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Dubai… những nước giàu có tiềm năng, mùa này đang lễ hội hết một tháng, đợi lễ xong chúng tôi mới qua gặp đối tác”.

Hình ảnh mẫu sandan của Saado sản xuất hiện đang có mặt tại 7 quốc gia trong đó có Mỹ

Tại thị trường Việt Nam, SAADO đã có đại lí tại 40 tỉnh thành. Với mô hình “Khởi nghiệp ít vốn cùng SAADO”, sau 60 ngày đã chọn được 40 nhóm khởi nghiệp kinh doanh tại các tỉnh, làm hạt nhân ở 40 và sẽ lan tỏa rất nhanh chóng ra 64 tỉnh thành, họ đều là những người trẻ có cùng tư duy và khát vọng đưa sản phẩm ra toàn cầu.

“Các bạn trẻ rất thích khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp ít vốn giúp các bạn không mất nhiều tiền, vừa được hỗ trợ về kinh doanh và quảng cáo, vừa có lợi cho Saado. Lộ trình phát triển của các bạn trong hệ thống các nhóm khởi nghiệp kinh doanh của Saado là chỉ lo việc xây dựng team khởi nghiệp của riêng mình, tập trung bán hàng và làm marketing. Mọi thứ về sản phẩm, vận hành, SAADO lên kế hoạch 2-3 năm.

Với các bạn chưa có kỹ năng bán hàng sẽ có người hướng dẫn để được học những kiến thức cơ bản về marketing, bán hàng, lợi thế sản phẩm, khác biệt, tầm nhìn văn hoá…những trải nghiệm ít được hướng dẫn và trải nghiệm khi các bạn còn đang ở nhà trường hay đại học.

Từ những kinh nghiệm lãnh đạo nhóm nhỏ 3 đến 7 người, được hướng dẫn về lãnh đạo và quản lý, kiểm soát thông tin, truyền thông nội bộ, dẫn dắt người khác, các bạn sẽ trở thành đại diện của SAADO tại các tỉnh thành. Khi dư dả tiền, các bạn trẻ sẽ được hỗ trợ công nghệ được lên cửa hàng, có web riêng. Muốn khởi nghiệp mà chỉ ngồi đốt tiền của ba mẹ thì tội lắm, đến với SAADO, các bạn vừa được kinh doanh, vừa được học tri thức kinh doanh”, anh Hải cho biết.

Chia sẻ về việc làm thế nào để hiện thực hoá thông điệp“Vì 1 triệu đôi giày cho giới trẻ Việt Nam tự tin với bạn bè quốc tế”, Phùng Lê Lâm Hải cho biết: “Chúng tôi tin rằng mình có thể hiện thực hóa tầm nhìn thương hiệu trên, bởi tôi và các thành viên thuộc SAADO là những người có kiến thức học thuật bài bản lẫn kinh nghiệm thực tiễn dày dạn trong cả môi trường đa quốc gia lẫn các công ty vừa và nhỏ của Việt Nam, chúng tôi lăn lộn một thời gian đủ lâu trên thương trường, được thử thách ở nhiều hoàn cảnh, môi trường; tức là có đầy đủ góc nhìn của việc xây dựng của một công ty từ nhỏ tới lớn để tự tin bước ra thử thách chính mình khi quyết định số mệnh cho một doanh nghiệp.

Cá nhân tôi (và tôi tin các thành viên khác trong ban tư vấn, chuyên môn và điều hành trực tiếp) đủ trải nghiệm và kinh nghiệm để điều hành hoạt động của doanh nghiệp trong các lĩnh vực marketing, branding, sales, finance, HR, supply chain, production, quality management, strategic management, investment…) theo định hướng chiến lược.

Chúng tôi có tâm huyết, mong muốn đóng góp cho thị trường bán lẻ & người tiêu dùng Việt, thậm chí mong muốn hướng đến thị trường quốc tế (châu Á) bằng những trải nghiệm thương hiệu. Quyết tâm thực thi lời hứa thương hiệu và cảm nhận thương hiệu đồng bộ, nhất quán như tuyên bố với khách hàng.

Chúng tôi gần gũi về hệ giá trị cốt lõi nên dễ gắn kết, dễ thống nhất trong suy nghĩ và hành động; luôn mong muốn huấn luyện, nhắc nhở lẫn nhau đa chiều để hình thành một bản sắc văn hóa thương hiệu chỉ có tại SAADO; biết cách tổ chức để giữ được sự tiêu chuẩn và định hướng chiến lược theo thời gian”.

Biến khát vọng “Thương hiệu giày dép thiết kế Vietnam đi toàn cầu” thành sự thật

Đặt ra khát vọng “Thương hiệu giày dép thiết kế Vietnam đi toàn cầu”, ngay từ đầu, SAADO đã là chuỗi bán lẻ hiếm hoi có tuyên ngôn rõ ràng, nhất quán về giá trị bản sắc văn hóa thương hiệu cho nội bộ và ngoại bộ. Đây là tôn chỉ, mục đích, kim chỉ nam hành động của bất cứ nhân sự nào thuộc SAADO, tạo hiệu ứng tốt bằng uy tín, nhiệt huyết của chính mình để xây dựng thương hiệu.

Tâm sự về thói quen thích dậy sớm của mình, một thói quen đã hình thành từ khi anh đau đáu dồn sức cho SAADO, để biến khát vọng thành sự thật, Hải chia sẻ: “Dạo này tôi thường dậy sớm, suy nghĩ rất nhiều về anh em SAADO và lời hứa của mình. Mình biết chắc phải làm đủ nhiều, phải luyện đủ lâu và suy nghĩ đủ thấu đáo, thì vấn đề mới đủ thông suốt.

Không đủ lượng, không thành chất nhưng không phải cứ suy nghĩ đủ nhiều sẽ ra được vấn đề. Quan trọng là ủ đủ lâu, đủ logic và đủ thời gian để liền mạch các ý tưởng và sự kiện. Từ chọn người đồng hành để khởi nghiệp đến dọc Insight của khách hàng, từ làm thương hiệu đến tạo ra dòng sản phẩm rất đặc biệt để có ngay doanh số.

Phùng Lê Lâm Hải (người đứng hàng sau) và các cộng sự ở SAADO

Tôi thường nói với các bạn: Nếu công việc sáng tạo không tạo ra tài chính thì sản phẩm mình về tính thương mại có vấn đề. Rất khó khi vừa phải giữ tố chất nghệ thuật, vừa phải hiểu sản phẩm để cảm nhận cho ra một sản phẩm thương mại tốt. Lợi thế cạnh tranh không thấy từ bên ngoài, nhìn bằng mắt mà đến từ bên trong chuỗi giá trị. May là tôi không chỉ thích thời trang mà còn có chút kiến thức . Bán giày như nhau cả nhưng rất khác từ nội lực và phân tích chiến lược.

Chọn sản phẩm sandal để khởi nghiệp và bước vào thị trường theo Hải vì 3 yếu tố: Xuất khẩu được, tận dụng được thế mạnh ngôn ngữ và mối quan hệ quốc tế vốn là năng lực lõi của mình.

“Thị trường Việt Nam cạnh tranh rất khốc liệt nhưng theo kiểu không lành mạnh, sẵn sàng đạp giá, đủ thứ trò để ngoi lên, cả đám sẽ chết theo. Làm thế nào để giảm rủi ro, gom người Việt sống trong môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ nhau cùng hệ sinh thái, tạo ra giá trị của người Việt… là điều tôi theo đuổi khi sáng lập SAADO.

Việt Nam mạnh về giày dép, đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu nhưng chưa có thương hiệu đủ mạnh để xuất khẩu, được quốc tế biết tới. Đa số anh em xuất khẩu khác phụ thuộc vào Trung Quốc, qua Quảng Châu, Phúc Kiến kiếm những nhà máy lớn, vì họ có khả năng thiết kế, khả năng sản xuất lớn và các nhà buôn Việt Nam chỉ việc quan tâm tới bán hàng.

Dựa trên thế mạnh của mình, nhu cầu hành vi khách hàng, tôi quyết định chọn giày sandal là sản phẩm đầu tiên. Nếu bắt đầu bằng giày thể thao thì đụng hàng với rất nhiều thương hiệu khác. Điều quan trọng tôi muốn đầu tiên là phải xuất khẩu, phải là “Made in Vietnam”.

Dựa trên phân tích khoa học, phân tích thị trường, các bảng báo cáo ngành, những mô hình phân phối thời trang trong ngành giày dép đặc biệt cùng mô hình khác, sự hiểu biết về hành vi tiêu dùng… Phùng Lê Lâm Hải cùng đồng đội của mình đã mong muốn trở thành chuỗi bán lẻ mặt hàng thời trang giày dép đi thế giới đầu tiên và chuỗi giày dép hàng đầu Việt Nam dành cho giới trẻ, được khách hàng biết đến với cụm từ “nhẹ và toàn cầu”.

Kế hoạch bước ra thế giới quả thật không đơn giản, vất vả tìm hiểu khắp các thị trường từ Mỹ sang các nước châu Âu, tận dụng mạng lưới khởi nghiệp của bạn bè quốc tế, rồi mới quyết định đưa hàng sang các nước đang phát triển, Hải cho biết: “Qua châu Âu, đến mấy chợ đầu mối, hỏi thăm xem sản phẩm của mình có bán được không? Họ nói không được đâu vì dân số họ già, quan tâm lý tính nhiều hơn là thời trang. Chuyến đi châu Âu rất bổ ích với tôi, đánh giá được độ trưởng thành của sản phẩm, đánh giá lại chiến lược cho chính doanh nghiệp của mình.

Tôi quyết định không nhảy vào châu Âu nữa. Nếu không đi châu Âu không biết so sánh, từ đó có hệ quy chiếu mới, xem mình đang ở đâu trong thị trường. Sản phẩm sandal thích hợp với những nước có thị trường tiêu dùng lớn là Mỹ, hành vi tiêu dùng khác châu Âu và những nước có nền kinh tế đang phát triển như Lào, Cambodia, Philippines, Indonesia, Ấn Độ… có văn hoá giống mình, thích sandal không chỉ tiện mà còn đẹp nữa.

Kể về chuyến đi Nepal gặp gỡ đối tác, Hải tỏ ra rất hứng khởi: Khi tôi đưa sản phẩm, họ hỏi ngay: “Sản phẩm của mày đẹp nhưng giải pháp nào để thuyết phục người tiêu dùng?”. Tôi đưa ra một loạt khác biệt của sản phẩm: “Với các nước nhiệt đới, khi đi mưa bùn đất bám sẽ rất khó chịu, hư giày. Sản phẩm của mình thời trang, nhẹ, da dù nên rất mau khô, không bị hôi chân, không thấm nước, không bị hư khi đi trong môi trường mưa nhiều, nhiệt đới gió mùa. Cấu trúc philon cao cấp tạo ra cho đôi giày siêu nhẹ, size 37 cỡ 115 gram một chiếc, tuỳ size. Rất nhẹ, thích hợp đi biển, đi mùa hè, đặc biệt các em học sinh từ 12-13 đến 17 tuổi”. Vậy là họ chịu liền!

Với triết lí kinh doanh “Lấy khách hàng và con người làm trung tâm, tư duy dịch vụ và trải nghiệm khách hàng làm trọng điểm”, khách hàng bao gồm nhân sự nội bộ, đại lí, các công ty khởi nghiệp trong hệ sinh thái SAADO, khách hàng ngoại bộ chi tiền. Sản phẩm thời trang giày dép của SAADO đáp ứng xu hướng và thị hiếu của phân khúc Kid, Young Generation 13 – 28: Kid’s Shoes, Men’s Shoes, Women’s Shoes, Sneaker… Khách hàng mục tiêu gồm nhiều lứa tuổi, từ 6 – 13, từ 13 – 18, từ 18 – 24, từ 24 – 32, từ 32 – 48.

Điều tạo nên sự khác biệt của SAADO là sự trải nghiệm khách hàng và dịch vụ, giá cả hợp lý, trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiện dụng chứ không phải chỉ là sản phẩm. Chăm sóc các khách hàng mục tiêu bằng những sản phẩm đạt chất lượng thương hiệu nhanh chóng, dịch vụ chu đáo và giá thành hợp lý.

Phát huy sự trải nghiệm dịch vụ bán hàng trên nền tảng công nghệ trong 2 xu hướng của thị trường: Tiêu chuẩn sống và du nhập văn hoá Đông Tây của giới trẻ dần tăng cao theo xu hướng hiện đại hóa, nền tảng công nghệ phát triển mạnh (Facebook, Instagram, Zalo & PR articles). Cơ hội để tiếp cận với SAADO thông qua mạng xã hội và marketing trực tuyến đơn giản hóa hơn rất nhiều lần.

Tạo cho giới trẻ sự tiện lợi và thoải mái khi đi lại (nhẹ & dễ bám dính) khi di chuyển hằng ngày để bảo vệ đôi chân, sức khỏe của các em, đồng thời, tạo sự tự tin trong việc vận động và giao tiếp hằng ngày bằng sản phẩm giày dép “Made in Vietnam” chất lượng toàn cầu, người sáng lập SAADO chia sẻ: “Tất cả đều bắt nguồn từ một ý định và chiến lược bài bản, không phải ngẫu hứng mà có slogan “Young Generation Wild n Free”, điều mà SAADO muốn gửi gắm là các em hãy trở nên thoải mái, tự do, hoang dã. Tức là hãy là chính mình, sống thật, yêu thương con người, bạn bè, trang lứa và năng động trong từng bước nhảy và hoạt động hằng ngày.

Trẻ em và giới trẻ Việt Nam chưa được khai phóng và bị chi phối bởi quá nhiều về niềm tin của cha mẹ, nhà trường và xã hội. Các em khép nép và coi những tiêu chuẩn đó như những điều các em phải hoàn thành, không cần biết có đúng hay không, mình có thích thật hay không, mình có yêu chúng và yêu như thế nào. Các em đôi khi không hiểu thật sự bản thân mình cần gì, phải dành quá nhiều thời gian lãng phí cho việc làm, học với những thứ mình không thích, không mạnh hay phải chạy theo tiêu chuẩn của xã hội”.

Và tâm huyết của người “Thích dậy sớm”

Đẹp trai, ăn mặc thời trang, giọng nói nhẹ nhàng, phong thái lịch lãm, Phùng Lê Lâm Hải, chàng trai Đà Lạt có vẻ ngoài lãng mạn ấy thực ra là một người rất nghiêm túc, quyết liệt, thực tế.

Bên cạnh việc kinh doanh khá thành công, Phùng Lê Lâm Hải cũng được đánh giá là một người có gu thẩm mỹ và thời trang

Khát vọng thương hiệu giày dép Việt Nam ra quốc tế đã âm ỷ trong Hải từ rất lâu rồi. Anh chia sẻ: “Nếu chỉ kinh doanh trong nước sẽ không biết thế giới rộng lớn thế nào. Sau khi đi nước ngoài, tôi thấy không nhất thiết phải đấu đá với ông hàng xóm nữa. Không chỉ ngành giày dép, ngành nào cũng vậy, như 5 ông lớn ngành chuối chẳng hạn, cạnh tranh nhau bằng giá rẻ bèo để bán cho nước ngoài, rồi họ lại xuất lại Việt Nam với giá cắt cổ.

Việt Nam có quá nhiều sản phẩm tốt nhưng không biết quyền lực của mình tới đâu. Nếu họ qua châu Phi, Trung Quốc, Ấn Độ, sẽ thấy sản phẩm Việt Nam tốt hơn nhiều. Việt Nam đang lắp ráp thô sơ, chuyện gì sẽ xảy ra khi hệ thống bán lẻ không xuất hiện con người nữa? FDI đầu tư công nghệ, các ông chủ cắt giảm chi phí gia tăng lợi nhuận bằng robot, người Việt sẽ thất nghiệp hàng loạt.

Tại sao phải đi gia công cho người có thương hiệu bán giá gấp mười lần? Tôi từng tới những nhà máy sản xuất giày dép lớn của Việt Nam, thấy người công nhân rất tội, ăn miếng cơm miếng cá nghèo nàn, 70-80% là phụ nữ trong ngành giày. Họ chính là thành phần lạo động chính cho sự phát triển kinh tế nước nhà, nhưng họ thực sự rất vất vả, mỗi tháng lương chưa tới 5 – 6 triệu đồng.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi thế mạnh về giày dép, may mặc mất đi bởi robot? Có nhà máy trước đây cần 10 ngàn công nhân, giờ chỉ cần 500 đến 1.000, nếu không hành động từ bây giờ thì 5 đến 10 năm nữa sẽ ra sao?

Khi gặp gỡ doanh nhân các nước, họ đánh giá rất cao môi trường kinh doanh của Việt Nam, sự ổn định về chính trị, an toàn, đang phát triển, còn nhiều dư địa phát triển kinh tế. Dân họ qua đây mua nhà, mua bất động sản rất nhiều, tại sao Việt Nam không biết tận dụng thế mạnh của mình để phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối, thứ tạo ra giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị của sản phẩm?

Nếu những người trẻ không mở rộng tầm nhìn, sẽ trở nên vị kỉ hơn. Đi nhiều, biết nhiều, hiểu người ta thì cách nhìn thị trường sẽ khác, sẽ thấy mình mạnh hơn. Đi trên chục nước, tôi khuyến khích anh em bạn bè phải hướng thị trường 4 tỷ dân thì lúc đó Việt Nam mới mạnh được.

Người Việt Nam trẻ, hiểu biết về công nghệ, phải đầu tư văn hoá trước, làm sao kết nối các thế hệ anh chị lớn có nguồn lực, kinh nghiệm để đi đúng hướng ngay từ đầu. Chọn nơi chôn rau cắt rốn để khởi nghiệp bằng tình yêu đất nước, dựa trên thế mạnh của mình để phát triển, tôi tin rằng khi con người có cùng lợi ích hướng ra ngoài thì không còn thù hằn nhau nữa.

Bước chân ra bên ngoài, tôi mới vỡ lẽ mọi điều không khó như mình nghĩ, thấy cuộc sống thú vị quá, lúc nào cũng tự tin. Vừa kiếm được ngoại tệ dựa trên hành động thiết thực của SAADO, vừa tạo cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp, chuyển đổi nhận thức, có thêm nhiều bạn bè cùng hệ sinh thái. Quan sát thị trường, tôi rất vui khi thấy nhiều doanh nhân khác cũng đang mạnh dạn bay sang Myanmar, Malaysia làm ăn kinh tế. Hồi xưa họ chỉ mua đi bán lại, làm ăn ngắn hạn, bây giờ chuyển biến tích cực hơn, đặt mối quan hệ làm ăn dài hơi hơn.

Hàn Quốc hồi xưa rất nghèo nhưng họ đã tạo làn sóng doanh nhân làm ăn nước ngoài cùng với làn sóng xuất khẩu văn hoá, phim ảnh, đưa Hàn Quốc vượt lên ngoạn mục. Do đó tôi rất ý thức với sự chia sẻ công việc, kinh nghiệm, cảm xúc mình đang làm cho cộng đồng. Với sức mạnh ngôn ngữ, tôi hy vọng những lời mình viết, những kết quả mình đạt được, những hiệu ứng từ cộng đồng SAADO sẽ truyền cảm hứng cho những bạn trẻ có khát vọng khởi nghiệp kiến quốc, hỗ trợ nhau cùng ra nước ngoài, cùng làm ăn kinh tế.

Mình tự hỏi nếu không có ai hành động thì ai sẽ làm tiên phong? Nếu hỏi tôi có sợ không, sợ chứ nhưng không vấn đề gì. Mở đường có cái thú vị của mở đường! Chí ít có 500 anh em bán hàng cho SAADO đang tin tưởng vì những gì đội ngũ SAADO đang làm. Đó là nguồn lực quan trọng nhất.

Làm sao có thể mang một thương hiệu Việt Nam, dấu ấn Việt Nam, khối óc Việt Nam, marketing Việt Nam, hệ thống phân phối và logistics Việt Nam ra thế giới. Đó là câu hỏi và trăn trở của chúng tôi và đó cũng là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt Nam dám nghĩ lớn, làm lớn”.

Theo Kim Yến / TheLEADER

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục