Nhiều doanh nghiệp FDI rời đi: Có đáng lo?
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng đã thấy rõ ở một số nơi. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không mở cửa nền kinh tế, một số doanh nghiệp FDI có thể sẽ rời thị trường Việt Nam.
Mong có lộ trình rõ ràng
Trong thư gửi Thủ tướng, đề xuất chiến lược khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới, nhiều hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (Amcham, EuroCham, KoCham, Acean USABC) nêu quan điểm: “Chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ khó quay lại Việt Nam”.
Đại diện các hiệp hội cho biết, hiện doanh nghiệp rất cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại. Khảo sát gần đây của các hiệp hội trên cho thấy, ít nhất 20% doanh nghiệp thành viên đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác. Cảnh báo quan trọng nhất được đưa ra chính là Việt Nam dường như đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đại diện các hiệp hội nhấn mạnh, sản xuất phải tái mở cửa, thiết lập trạng thái “bình thường mới” ngay bây giờ.
“Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài. Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ”, văn bản của các hiệp hội đưa ra nhận định.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, giãn cách xã hội như vừa qua, tất yếu gây đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng. Hậu quả là đã có doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam. “Chính sách không bảo đảm cho lưu thông hàng hóa, lao động không thể tiếp cận công việc, đơn hàng của doanh nghiệp bị đe dọa không thực hiện được”, ông Thiên lý giải.
Ngoài những khó khăn mà các doanh nghiệp nước ngoài đã nêu, theo ông Thiên, việc đóng cửa, phong toả như vừa qua còn giáng đòn tiêu cực đến chiến lược phát triển, thu hút đầu tư dài hạn, có thể làm mất cơ hội đón dòng vốn chuyển dịch FDI. Ông Thiên nhấn mạnh: “Môi trường kinh doanh yếu đi, doanh nghiệp trong nước cũng bị ảnh hưởng. Đối tác của họ là doanh nghiệp nước ngoài rất khó chần chừ với thị trường Việt Nam”.
Ông Thiên cho rằng, nên chấm dứt kiểu phong tỏa ổ dịch diện rộng như vừa qua, không hành chính cứng nhắc, gây phiền hà, chi phí cho doanh nghiệp. Ông Thiên lấy ví dụ về nỗ lực thay đổi của Hà Nội, thành phố dừng việc phân vùng, chỉ phong toả trên phạm vi hẹp nhất để nới lỏng giãn cách xã hội, là cách làm cần được nhân rộng.
“Tinh thần mở cửa phải đảm bảo an toàn lưu thông kinh tế, gồm chuỗi cung ứng vận tải (logistics) và tiền tệ; an toàn sản xuất tại các khu công nghiệp. Nhóm chuyên trách, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng phải phát huy được vai trò của mình”, ông Thiên nhấn mạnh.
Cần sớm có kế hoạch quản trị rủi ro
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc đầu tiên nên làm là mở cửa lại nền kinh tế như kiến nghị của 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. “Mở cửa lại không phải chỉ vì họ, mà vì nền kinh tế của mình. Nếu không mở, doanh nghiệp trong nước sẽ thêm phần khó khăn. Doanh nghiệp nước ngoài họ không kiên trì được, bởi nếu có cơ hội, họ sẽ tính toán rời đi. Doanh nghiệp của mình không mở cửa sẽ nguy chứ không rời đi đâu được”, bà Lan nói.
Nhóm hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nhấn mạnh tầm quan trọng của vắc-xin và bày tỏ mong muốn Chính phủ ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh nền, người giao hàng, lao động bán lẻ hàng thiết yếu, lao động tại các khu công nghiệp, cảng hàng hóa, logistics, đặc biệt là tại khu vực phía Nam.
Theo bà Lan, ở nước ngoài, người ta cũng bị dịch nhưng giải pháp tốt hơn, không phong tỏa rộng như mình. “Theo tôi, Nhà nước không nên hỗ trợ thêm khi không còn ngân sách. Hỗ trợ thêm bằng chính sách hay tiền cũng không bằng việc mở cửa lại thị trường. Bây giờ nơi nào bùng phát dịch thì khoanh nơi đó thôi chứ không khoanh cả vùng nữa. Chúng ta nên học theo cách Bình Dương, hay Đà Nẵng thu hút lớn về FDI, bởi họ biết lắng nghe, điều chỉnh chính sách cho hợp lý. Mặc dù cũng bị COVID-19 nhưng họ xử lý hơn những nơi khác, nhất là so với Hà Nội”, bà Lan nói.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phân tích, đứt gãy chuỗi cung ứng đang là nỗi lo chung của cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp FDI. Với tình hình dịch như hiện nay, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng rất cao. Theo ông Thành, điều doanh nghiệp FDI mong lúc này là Nhà nước phải có kế hoạch rõ ràng và quản trị rủi ro.
“Chúng ta không thể khẳng định chắc nịch vào tháng nào dịch bệnh được khống chế. Vì vậy, doanh nghiệp cần sự đồng hành. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cần triển khai quyết liệt hơn”, ông Thành nói.