Doanh nhân Vũ Văn Tiền: Cần phải sớm mở cửa để doanh nghiệp tự cứu mình

Doanh nhân Vũ Văn Tiền cho rằng, khi độ phủ vaccine đang được nâng cao từng ngày, thì cần phải có chính sách dần mở cửa để các doanh nghiệp có cách tự cứu lấy mình.

Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của đại dịch, diễn ra vào ngày 26/9, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco – ông Vũ Văn Tiền cho biết: “Hiện nay, nếu không mở cửa thị trường và sản xuất, thì không chết vì COVID-19 mà chết vì đói nghèo”.

Chủ tịch Geleximco nhận định, nếu kéo dài tình trạng như hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp có thể không tồn tại được và cũng không ngân sách nào có thể hỗ trợ mãi được, chỉ có thể mở cửa, mở cửa từng bước.

Doanh nhân Vũ Văn Tiền cho rằng, cần phải sớm có chính sách mở cửa để doanh nghiệp tự cứu mình

Vì thế, khi độ phủ vaccine đang được nâng cao từng ngày, thì cần phải có chính sách dần mở cửa để các doanh nghiệp có cách tự cứu lấy mình, vì ngân sách nhà nước không thể hỗ trợ mãi được.

Đến nay, các doanh nghiệp cũng có động thái mở cửa trở lại, khi công nhân viên cũng từ bước yên tâm làm việc do đã tiêm đủ từ 1 đến 2 mũi vaccine, vì vật chính sách mở cửa trở lại rất quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Ông Vũ Văn Tiền nhấn mạnh: “Thời điểm này, nếu không mở cửa thị trường và sản xuất thì không chết vì Covid-19 mà chết vì đói nghèo khi có rất nhiều đối tượng tổn thương, không có đủ điều kiện tối thiểu”.

Ông Vũ Văn Tiền cũng cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách để chống dịch, nhưng đồng thời làm đứt gãy chuỗi cung ứu lưu thông khan hiếm nguyên vật liệu, đẩy giá vốn tăng cao, hàng hoá tồn đọng kéo dài không bán được.

Dẫn chứng cụ thể đối với chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái vận hành trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay, doanh nhân Vũ Văn Tiền cho rằng, các cơ chế chính sách tháo gỡ là rất quan trọng với đối tượng hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh.

Ngoài ra, Chủ tịch Geleximco cũng cho biết, các chính sách cần có sự đặc thù để xử lý dứt điểm những tồn tại bây lâu nay. Chẳng hạn như chính sách về phát triển nhà ở xã hội lâu nay vốn chưa hiệu quả, còn nhiều xin – cho thì phía Bộ KH&ĐT nên là cơ quan đầu mới làm đầu mối có cơ chế phân cấp, phân quyền cụ thể, không thể việc gì khó cũng lại đẩy lên Thủ tướng.

Đặc biệt, phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái “Zero COVID”. Theo khảo sát, sức chịu đựng của doanh nghiệp, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng, vậy nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10.000 doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của đại dịch

Với ảnh hưởng của dịch bệnh, của giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất.

Tất cả thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.

Theo Chủ tịch VCCI, về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung.

Chủ tịch VCCI cho biết sức chịu đựng của doanh nghiệp trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội, cho thấy một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

Ông Tấn Công đánh giá đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái zero Covid (đưa số ca nhiễm về 0). Do đó, Chủ tịch VCCI cho rằng Việt Nam cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch.

NguồnMinh Tuấn/ Doanh nhân Việt Nam
Bài cùng chuyên mục