Giáo viên đau đầu vì phụ huynh tưởng học online… cho có

Đến thời điểm này, học sinh các cấp đã trải qua ba tháng học trực tuyến nhưng nhiều phụ huynh vẫn có tư tưởng học… cho vui, học được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Điều này khiến giáo viên rất đau đầu.

Cách đây mấy tuần, cô Xuân Trang, giáo viên chủ nhiệm một lớp cấp II ở Q.Phú Nhuận, TPHCM, đã phải gửi lời nhắn đến tất cả phụ huynh trong lớp là: “Học online là học thật, thi thật, lấy điểm thật. Không thi lại lấy điểm lại”. Mặc dù từ đầu năm học, trong buổi họp phụ huynh, cô giáo đã đề cập vấn đề này. Bởi vì, khá nhiều phụ huynh vẫn đinh ninh là giáo viên và nhà trường tổ chức dạy trực tuyến để “đối phó” với giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nên phụ huynh cũng cho con học… cho có, khi nào có thông báo trở lại trường hẳn hay.

Vì nghĩ là học cho vui, nên nhiều phụ huynh không quan tâm đến việc học của con. Cô Xuân Trang thường xuyên gửi tin nhắn báo về những học sinh chưa làm bài, chưa nộp bài đến lần thứ ba nhưng vẫn không thấy phụ huynh hồi âm. Các thầy cô bộ môn nhận thấy điểm kiểm tra của học sinh khá thấp nên đã tạo điều kiện cho các em cải thiện điểm bằng cách làm các bài thực hành để cộng điểm nhưng nhiều học sinh vẫn không làm bài, nộp bài. Phụ huynh cũng không theo dõi và nhắc nhở con làm. Kết quả là giáo viên chỉ nỗ lực trong vô vọng.

Học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế nữa mà là hình thức học lâu dài tại nhiều tỉnh, thành – ẢNH: ĐẠI MINH

Chị Thùy Chân, phụ huynh có hai con học ở Q.Bình Thạnh, chia sẻ. “Tôi tin rằng khi đi học trực tiếp trở lại thì giáo viên phải dành thời gian ôn tập lại bài từ đầu năm, vì học trực tuyến tụi nhỏ có học được bao nhiêu đâu. Đứa cấp hai còn học được một phần, còn đứa lớp Một đang học rất vất vả, không biết “vào đầu” được bao nhiêu. Vì vậy, dù muốn hay không, thầy cô cũng phải dạy lại và cho thi lại nếu cần”. Có vẻ, đây cũng là suy nghĩ của nhiều phụ huynh có con đang học trực tuyến. Trong khi đó, trong học trực tuyến, thử thách lớn nhất là tâm lý của học sinh, chưa quen với hình thức học tại nhà và cách thức học tập rất khác. Đó là một quá trình thay đổi trạng thái tâm lý chứ không đơn giản chỉ là thay đổi không gian học, nên học sinh có thời gian thích nghi, nhất là các em tiểu học vì rất khó tập trung.

Lý do phụ huynh vẫn nghĩ học online là… học chơi vì đợt dịch trước (sau tết Nguyên đán 2021), học sinh được lệnh học online đến hết tháng 3/2021. Và đúng đây là thời gian “học cho vui” thật. Khi trở lại trường vào tháng Tư, học sinh vẫn được thầy cô dạy lại toàn bộ chương trình học kỳ II. Nhưng nay, việc học trực tuyến đã được tổ chức bài bản hơn và quyết tâm hơn, nên đã là học thật, thi thật, lấy điểm thật. Phụ huynh cần thay đổi suy nghĩ của mình, quan tâm hơn đến việc học của con. Có như thế, học sinh mới nghiêm túc và tập trung vào việc học để đạt kết quả tốt. Còn giáo viên cũng đỡ vất vả hơn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Nói đi cũng phải nói lại, một phần lý do của việc xem thường học online ở phụ huynh xuất phát từ hành vi đối phó. Một số giáo viên dạy đối phó để hoàn thành đủ chương trình. Có những trường vẫn đối phó để đạt kết quả các kỳ thi cao, vượt qua kiểm tra đánh giá. Vì vậy, khi phụ huynh xem việc dạy học online là sự đối phó của nhà trường cũng là điều dễ hiểu. Thực tế thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn thấy những mặt tích cực của dạy trực tuyến và hướng tới sử dụng mặt tích cực một cách hợp lý, có lộ trình, để học trực tuyến trở thành một thành phần của giáo dục. Nhưng vấn đề là chưa tạo ra được sự đồng bộ trong hệ thống giáo dục để tạo niềm tin cho học sinh và phụ huynh, cũng như chưa tạo được chương trình học trực tuyến chất lượng tốt nhất cho trẻ em trên khắp các tỉnh, thành.

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường tiểu học ICS, cho rằng đến lúc này, chúng ta không thể xem dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế mà đây là giáo dục đường dài, phải chú trọng để việc học của học sinh không bị gián đoạn. Muốn tạo niềm tin cho phụ huynh và học sinh, thì các cơ quan chủ quản phải “ra tay” chứ không thể phó mặc việc dạy học trực tuyến cho trường học, giáo viên. Vì giáo viên rất cần được hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện về công nghệ và kỹ năng để có một bài giảng tốt hơn. Không thể để phụ huynh nghĩ rằng việc dạy trực tuyến chỉ là hình thức, chưa hiệu quả khi mà các cơ quan nhà nước chưa chung tay với các công ty công nghệ để tạo được môi trường tốt nhất cho các trường tham gia mô hình này.

Nguồn Xuân Lộc/PNO
Bài cùng chuyên mục