Đổ xô xem phim xác sống vì chúng ta nhìn thấy sự khốc liệt của cuộc đời?

“All of Us are Dead” đang làm mưa làm gió khắp thế giới, đây tiếp tục là bộ phim sinh tồn gây bão màn ảnh với những câu chuyện về con người khi đứng trước lằn ranh sự sống – cái chết.

Giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, liên tiếp những dự án phim lấy đề tài sinh tồn gây bão màn ảnh khắp thế giới. Sau khi “Squid Game” trở thành “bộ phim của năm 2021”, hay “Hellbound” được ca tụng, “All of Us are dead” tiếp tục ghi điểm với khán giả.

Sự lên ngôi của phim sinh tồn

Hẳn nhiên có lý do khi phim sinh tồn “làm mưa làm gió” đúng vào thời điểm nhân loại khắp thế giới điêu đứng vì đại dịch COVID-19. Bệnh dịch ập đến theo cách không ai ngờ tới, hoành hành suốt hơn 2 năm, làm thay đổi toàn diện thế giới và biến đổi cuộc sống của mỗi người theo nhiều cách không giống nhau.

“Train to Busan” có những tình tiết đắt giá, gây xúc động mạnh cho khán giả, khi bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm chóng mặt. Ảnh: Xinhua

Theo số liệu thống kê mới nhất, thế giới đã mất gần 6 triệu người vì thảm họa đại dịch COVID-19. Bệnh dịch đẩy mỗi chúng ta vào nỗi đau mất mát, vào suy thoái kinh tế, vào những biến cố khó lường, và vào một cuộc sinh tồn đầy khốc liệt.

Những cuộc chạy đua vaccine, những hối thúc nhân loại bước vào các kỳ tiêm chủng diện rộng, những ráo riết thực hiện biện pháp phòng dịch… chính là cách để nhân loại đang tìm cách sinh tồn trong sự biến động chưa từng có.

Cuộc chiến hẳn nhiên chưa thể kết thúc mà ngày càng khốc liệt hơn. Mỗi chúng ta đều đang phải đối diện với cuộc chiến sinh tồn từ nhiều phía, cuộc chiến sinh tồn trước bệnh dịch, cuộc chiến sinh tồn ở công sở, cuộc chiến sinh tồn kiếm tiền, mưu sinh, và cuộc vật lộn sinh tồn giữa những biến thiên thay đổi theo ngày.

Chính ở thời điểm cuộc sống nhân loại đảo lộn trước đại dịch, và những cuộc sinh tồn trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, loạt phim lấy đề tài này gây bão màn ảnh.

“Squid Game” đã xây dựng được những tình tiết đắt giá khi đặt con người đứng trước lằn ranh sinh tử, với những lựa chọn cay đắng, đôi khi phải đánh đổi bằng nhân tính. Ảnh: Newsen.

Không chỉ những phim mới sản xuất như “Squid Game”, “Hellbound” hay gần nhất là “All of Us are Dead” trở nên đầy sức hút, những phim cũ lấy đề tài sinh tồn trong thảm họa, đại dịch đều được khán giả tìm kiếm, xem lại.

Câu chuyện sinh tồn trên màn ảnh bỗng trở nên thấm thía, khi chính người xem cũng đang ở trong một cuộc sinh tồn “vật vã”.

Khi con người đứng trước lằn ranh Sự sống – Cái chết

Hàn Quốc rất giỏi lấy nước mắt và tìm sự đồng cảm của khán giả khi làm phim về đề tài sinh tồn. Trước khi “All of Us are Dead” gây bão màn ảnh nhỏ, bộ phim điện ảnh “Train to Busan” đã từng lập kỳ tích phòng vé khi làm về đề tài xác sống.

“Train to Busan” phần 1 ra mắt năm 2016, lập tức bùng nổ phòng vé ở nhiều quốc gia. Phim chỉ mất 8,5 triệu USD sản xuất, nhưng đã thu về con số khó tin 72,7 triệu USD. Phim trở thành hiện tượng phòng vé của Hàn Quốc thời điểm đó.

Nhiều tờ báo thế giới ngợi khen với “Train to Busan” – Hàn Quốc trở thành quốc gia số một về cách tiếp cận và biến câu chuyện thảm họa xác sống trở nên xúc động, chạm đến tâm can của hàng triệu khán giả.

Zombie chỉ là phép ẩn dụ để các nhà làm phim nói về nhân tính của con người khi đứng trước lằn ranh sinh tử. Ảnh: Newsen
“Cơn bão” khán giả dành cho “All of Us are Dead” cũng giống như “Train to Busan”, khi virus gây bệnh thoát ra bất ngờ. Không ai có sự chuẩn bị, không ai lường tới, không ai biết trước, virus tấn công đột ngột và làm đảo lộn tất cả.Dịch bệnh lây lan chóng mặt, những ai nhiễm virus sẽ biến đổi thành xác sống (zombie) và lao vào cắn xé, tấn công lại chính những người thân thiết nhất của mình.

Kịch bản của những bộ phim sinh tồn của Hàn Quốc đã xuất sắc khi xây dựng những tình huống đắt giá, đặt mỗi nhân vật phải đứng trước nhiều sự lựa chọn, đứng trước những sinh tử mất mát, đứng trước lằn ranh sự sống – cái chết. Và để họ bộc lộ hết bản năng, nhân tính của mình.

Giữa bối cảnh dịch bệnh tấn công, trong “Ngôi trường xác sống”, hay trên chuyến tàu đầy những thây ma biến hình (Train to Busan), cách con người đối xử với nhau, cách họ tìm mọi thủ đoạn để thoát chết, phản ánh sinh động cuộc sống đương đại mà chúng ta đang sống, để mỗi khán giả đều có thấy chính mình, thấy sự khốn khổ, “vật vã” mưu sinh, tồn tại, và cả những chọn lựa tăm tối của mình ở đó.

Để được sống, đôi khi phải đánh đổi bằng cả nhân tính.

Có người sẵn sàng đạp lên người khác để thoát chết. Có người sẵn sàng quay lưng, phản bội bạn bè trong tích tắc khi họ rơi vào nguy hiểm. Có người để cứu mình, thản nhiên đẩy người khác vào nguy hiểm. Cũng có người sẵn sàng hy sinh vì người khác…

Thứ virus lây lan biến con người thành zombie chỉ là phép ẩn dụ, giống như biết bao loại dịch bệnh khác có thể đột ngột tấn công cuộc sống nhân loại, đơn cử như COVID-19.

Khi phải đứng trước ranh giới sự sống-cái chết, mỗi con người sẽ bộc lộ hết bản năng sống của mình, bộc lộ hết khoảng cách giữa giàu sang và nghèo khổ, giữa mất mát và lương tâm, giữa sự nhân bản, vị tha và những ích kỷ, thấp hèn.

HÀO HOA

NguồnBáo Lao Động
Bài cùng chuyên mục