Cái bếp để người ta bên nhau

Về nhà, ngồi bên cái bếp củi của má, trong buổi sáng hơi se lạnh, vậy là đủ thấy sung sướng.

“Hôm nay ăn gì?” là câu hỏi làm nhiều bà nhiều cô nội trợ đau đầu trong những ngày giãn cách. Câu trả lời còn dễ đau đầu hơn: “Ăn gì cũng được”. Mà đúng là “ăn gì cũng được”, bởi không thể thường xuyên mua sắm, cũng chẳng có nhiều thứ để chọn lựa. Nhưng nhờ vậy mà trong cái khó ló cái… ngon. Làm bếp thời dịch thậm chí còn sôi động và hoành tráng hơn lúc bình thường.

Món kho quẹt rất “bắt” cơm, ăn xong vẫn còn thèm

Bếp núc mùa dịch, ồn ào từ chuyện cọng hành, nhúm ngò rí bỗng trở nên khan hiếm và đắt đỏ hay củ gừng, cọng sả nếu không nhanh tay thì không còn tìm được. Các bà nội trợ rón rén dùng chúng như đồ xa xỉ. Tuy vậy, làm bếp mùa dịch cũng có cái hay: Người ta có vẻ như “trở về nguồn cội” nhiều hơn, dùng nhiều thứ thực phẩm lành mạnh hơn, ăn uống cũng thanh đạm hơn.

Có mấy món bỗng nhiên thành “trend”, đè bẹp hết các món “thần thánh” khác. Như món nước sả – chanh – gừng – đường phèn, hầu như nhà nào cũng nấu, mong giúp các thành viên trong gia đình tăng sức đề kháng, chống cảm cúm.

Ngay như tôi, cũng theo dòng rộn ràng này, cố tìm cho được ký gừng, bó sả. Khi xắt miếng gừng cay, đập tép sả thơm phức, chợt khám phá ra những gia vị “nóng tính” này chính là thứ giúp cải thiện tâm trạng nhanh nhất. Gừng nóng cay có thể giải thoát đau thương, sả thơm ấm khiến người ta phấn khích.

Bếp núc lợi hại không chỉ vì phục vụ chuyện làm đầy bao tử. Ở đó, còn là nơi các “bếp sư” tung “bí kíp”. Công thức trên mạng nhiều vô số kể, nhưng biến chúng thành tuyệt chiêu của mình thì mỗi người nội trợ giữ một chiêu riêng.

Giống như món tủ của nhà thơ Lê Giang là kho quẹt, khiến bà nổi danh với nickname “bà Năm kho quẹt”. Món kho quẹt theo chân bà vào bếp chiến khu. Con gì vào tay bà cũng có thể thành món kho quẹt ngon hết sảy, cạo sạch nồi vẫn còn thòm thèm.

Bà kể lúc lấy chồng, của hồi môn má bà dành cho con gái là cái ơ kho quẹt cũ kỹ của gia đình. Hẳn là nhờ cái ơ kho quẹt đó nên món kho quẹt của bà Năm trở thành thần thoại, bởi nó đã thấm hàng ngàn bữa nấu nướng, khéo bằng cả đời người.

Bếp núc, còn lợi hại ở chỗ nó là thứ khiến người ta nhớ đến trước tiên khi nhớ về nhà của mình hoặc nơi mình đã ghé qua. Kiểu như ông nhà thơ giang hồ Phạm Hữu Quang có câu thơ kinh điển: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”.

Lần nọ đi Tây Bắc ngay mùa rét mướt tháng Chạp, mấy chị em tôi còn cả gan chạy xe đường đèo trong mịt mù sương thì thứ làm chúng tôi “sống” lại hẳn là cái bếp nhà anh A Vạng với món cá suối nướng, thịt ướp mắc mật rang lên và su hào non luộc nóng bốc khói. Được ăn ngon, ăn nóng giữa lúc tiết trời lạnh quéo, còn được ngồi gần bếp, hơ tay cho ấm thì cả cái mùi khói bám trên tay lúc ấy cũng thơm kỳ lạ.

Bếp có chái riêng để gần với mấy cự củi má chất gần đó (Ảnh minh họa)

Ở giữa căn nhà sàn người Tày ở thôn Tha (Hà Giang) luôn có cái bếp than với ấm nước nấu lá vối, uống thơm chát ấm nóng cả người. Bà cụ đeo vòng bạc to trên cổ ngoắc tay tôi đến ngồi bên bếp cho ấm, dúi vào lòng tôi con mèo đang ngơ ngác, rồi mỉm cười xuýt xoa cái vòng bạc tôi đeo trên cổ tay. Hẳn bà nghĩ văn hóa đeo vòng bạc, đã lan đến cả người thành thị rồi.

Cái bếp kéo người ta gần lại, khiến người ta muốn bên nhau. Nên dù bếp có bần hàn hay hiện đại, cầu kỳ hay đơn giản, đều chiếm chỗ rất quan trọng trong nhà (bởi vậy người ta mới hay coi phong thủy, xem bếp đặt ở đâu cho hạp lý).

Bây giờ ăn hoài đồ ăn đông lạnh, tôi chợt nhớ cái bếp của má. Truyền thống nấu bằng bếp củi, với cái bếp là một chái nhà hiên sau. Bếp có chái riêng để gần với mấy cự củi má chất gần đó. Hồi xưa, đánh giá nhau, chuyện giàu nghèo không bằng việc nhìn thấy nhà có nhiều cự củi chất cao ngút ngàn. Bởi vậy mới thấy, chuyện nấu nướng củi đuốc không phải chỉ dành riêng cho người làm nội trợ mà là bao quát cả sự ăn, sự ở, thói nết của cả gia đình.

Về nhà, ngồi bên cái bếp củi của má, trong buổi sáng hơi se lạnh, vậy là đủ thấy sung sướng. Thịt kho rệu hay khổ qua hầm nấu bằng củi không hiểu sao lại ngon hơn nấu bằng bếp gas hay bếp từ. Tô canh chua cá lóc sao mà thơm lừng, khác quá trời mùi thơm mình nấu ở thành thị. Có lẽ đó là tổng hòa của không khí làng quê, khói bếp, củi cháy đượm nồng, kể cả xoong nồi cũ kỹ và hình ảnh má quấn khăn rằn trên đầu lụi cụi.

Ẩm thực, nhiều khi không để chỉ thỏa mãn cái bụng. Bếp núc phục vụ chuyện ấm no, nhưng sâu xa hơn còn là triết lý về thái độ sống, sự trân trọng nhau, cùng chung tay giữ hòa khí gia đình. Bếp tận tụy chia sẻ niềm thương nỗi nhớ mà không thể vay mượn được ở đâu khác.

Một bình thường mới, một bếp nhà thơm phức khiến cái nhà đúng thực là nhà của mình, thì còn gì bằng.

Nguồn Minh Phúc/PNO
Bài cùng chuyên mục