Doanh nghiệp vận tải khốn đốn vì giá xăng dầu tăng sốc

Giá nhiên liệu tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực vận tải.

Doanh nghiệp vận tải vừa nhận tín hiệu lạc quan từ hồi phục du lịch trong nước thì việc giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua khiến doanh nghiệp khốn đốn. Đó là chi sẻ của ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 16-2.

Là đơn vị vận tải hành khách tuyến Hà Nội – Lào Cai, ông Bằng cho biết dù hoạt động du lịch đang từng bước khôi phục, nhưng doanh nghiệp vận tải của ông mới hoạt động được 30% lượng phương tiện. “Chúng tôi đang hoạt động chủ yếu là các xe cỡ nhỏ, ít giường. Đối với xe giường nằm cỡ lớn, hành khách vẫn e ngại vấn đề dịch Covid-19”- ông Bằng chia sẻ.

Doanh nghiệp vận tải gặp khó khi giá xăng dầu tăng cao

Nói về giá xăng dầu tăng mạnh, ông Đỗ Văn Bằng cho rằng dịch bệnh khiến doanh nghiệp khó khăn, giá nhiên liệu tăng liên tục càng làm đơn vị vận tải khó khăn hơn. Theo ông, chi phí xăng dầu chiếm tới 40-50% là nỗi lo rất lớn của các doanh nghiệp vận tải.

Trong khi đó, giá vé các chặng như Hà Nội – Lào Cai không thể tăng, bởi nếu tăng giá trong thời điểm này, ông Bằng gọi đó là “tự sát”. “Nếu doanh nghiệp vận tải tăng giá là không chia sẻ với người dân, không phù hợp với tình hình hiện tại, trong khi giá nhiên liệu không ngừng tăng”- ông Bằng nói.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Bằng cho rằng Bộ Công Thương cần có các động thái cần thiết trong việc điều hành, bình ổn giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh cả nước đang hồi phục kinh tế. Đại diện doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Tài chính, đề xuất Chính phủ xem xét cơ cấu về thuế, phí và các công cụ linh hoạt hơn để điều hành giá xăng dầu, giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng nhận định điều hành xăng dầu gần đây đã lộ ra nhiều vấn đề, thiếu linh hoạt. Theo ông Thịnh, quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần đã gần diễn biến thị trường hơn, nhưng do kỳ điều chỉnh ngày 1-2 trùng với ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nên cơ quan quản lý để đến ngày 11-2 mới điều chỉnh giá, dẫn đến thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh như vậy là quá dài.

Trong khi đó, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng, đẩy giá xăng dầu nhập khẩu tăng lên cao. Khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu sẽ rơi vào thua lỗ nếu bán với giá quá thấp. Điều này khiến doanh nghiệp phải bán cầm chừng, thậm chí treo biển “hết hàng”.

Về công tác điều hành giá xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết điều hành xăng dầu Liên Bộ Công Thương – Tài chính luôn phải bám sát nguyên tắc hài hòa lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước, người dân.

Theo ông Đồng, ngay khi nắm được tình hình Nghi Sơn, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Sở Công Thương, doanh nghiệp đầu mối chủ động nguồn hàng, chỉ đạo các đầu mối tăng nhập khẩu ngay. Chúng tôi cũng đã có cuộc làm việc với Nghi Sơn, Bình Sơn để đưa công suất tăng lên.

Sau khi làm việc với bên, ngày 28-1, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Chính phủ ngày báo cáo về tình hình thế giới, trong nước và trong đó có kiến nghị cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu cho kỳ điều hành tới.

Theo ông Trần Duy Đông, sau khi tính toán, cân nhắc các mục tiêu khác như cân đối ổn định vĩ mô, tránh tăng giá mặt hàng này dịp Tết, tạo áp lực lên lạm phát, tính toán của cơ quan thống kê, CPI tháng 1 tăng 1,94%, trong khi xăng dầu chiếm tỉ trọng cao trong rổ tính CPI. Do đó, việc điều hành mặt hàng này phải tính toán tổng thể, hài hòa các yếu tố ổn định vĩ mô, lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. “Điều hành sớm mà giảm giá thì không sao, còn tăng giá sẽ gặp phản ứng từ dư luận và không có lợi cho người dân trong bối cảnh giá cả dịp Tết Nguyên đán tăng cao”- ông Đông nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về công tác điều hành giá xăng dầu thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết Bộ Công Thương đã tính các phương án, hài hòa sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Cũng theo ông Đông, Việt Nam đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nếu giá xăng dầu quá cao sẽ tác động làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế. Ở thời điểm công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn, Bộ Công Thương cho rằng phải sử dụng công cụ thuế, phí.

Minh Chiến

 

Nguồn Minh Chiến/Báo Người Lao Động
Bài cùng chuyên mục