Việt Nam có nhiều đặc điểm của “Bốn con hổ châu Á” cũ: Sự trỗi dậy đã rất rõ ràng

Việt Nam có những lợi thế lớn để trở thành "Con hổ Châu Á mới" - theo nhận định của Business Times (Singapore).

Trong những năm 1960, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chỉ là những nền kinh tế đang phát triển. Sau Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên, một nền hòa bình thế giới mới đã mở cửa biên giới và cho phép quá trình toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ.

Các công nghệ mới mang đến du lịch hàng không và viễn thông, tạo điều kiện cho sự bùng nổ của thương mại quốc tế. Mỗi nền kinh tế trong 4 nền kinh tế nêu trên đều có những hoàn cảnh lý tưởng để tận dụng cơ hội mới trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Mặc dù mỗi nơi đều có những lợi thế riêng, nhưng các khoản đầu tư vào công nghiệp hóa, ưu đãi thuế và chất lượng giáo dục đều là những nền tảng thuận lợi cho một thời kỳ tăng trưởng vượt bậc.

Đặc điểm của “Những con hổ châu Á”

Từ năm 1960 đến năm 1995, GDP trung bình của 4 nền kinh tế đạt khoảng 6%/năm, duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững lâu dài. Tốc độ tăng trưởng kéo dài này là cơ sở để mỗi nền kinh tế phát triển thành các nền kinh tế công nghiệp hóa và sau đó trở thành các khu vực phát triển toàn diện.

Các học giả và các nhà kinh tế từ lâu đã tranh luận về các yếu tố tạo thành “Bốn con hổ Châu Á”. Dù không có định nghĩa chính xác, nhưng có 4 yếu tố thường được mọi người đồng ý về các nền kinh tế này.

Ảnh: Getty

Công nghiệp hóa nhanh chóng

Quá trình công nghiệp hóa diễn ra sau khi các nền kinh tế đầu tư rất nhiều vào việc nâng cao năng suất nông nghiệp. Sau đó, việc cải cách nông nghiệp tiếp tục nâng cao năng suất, giúp xóa đói giảm nghèo và đặt nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng.

Công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI) là yếu tố ban đầu dẫn đến thành công về kinh tế của “Bốn con hổ Châu Á”. ISI là một cách để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi sự cạnh tranh của thị trường toàn cầu trong khi trợ cấp và đầu tư vào các ngành đó. Nó cho phép các ngành công nghiệp trở nên thành công trên thị trường toàn cầu sau khi thành công tại thị trường nội địa.

Nền kinh tế được xuất khẩu dẫn dắt

Những con hổ châu Á từng thiết kế một thị trường để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu và chủ yếu là thương mại tự do. Đây được gọi là công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu. Xuất khẩu ở mỗi nền kinh tế tăng nhanh hơn gấp đôi so với mức trung bình của hầu hết các nước đang phát triển.

Tỷ trọng xuất khẩu trong GDP tăng gấp 3 lần trong 25 năm. Các chính sách kinh tế đã bảo hộ nhập khẩu trong quá trình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Trung bình, giá nội địa của hàng hóa giao dịch ở các nền kinh tế hổ Châu Á gần với giá thế giới hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác.

Những con hổ châu Á không để tỷ giá hối đoái bị định giá quá cao và các nhà xuất khẩu được hưởng các ưu đãi như miễn thuế, các khu thương mại tự do và tự do tiếp cận ngoại hối.

Ảnh: Getty Images

Lực lượng lao động chất lượng cao và chăm chỉ

Một điểm khác biệt lớn giữa 4 nền kinh tế này và các quốc gia có thu nhập thấp khác là phát triển nguồn nhân lực. Bắt đầu từ những năm 1960, dân số có trình độ trung học ở 4 con hổ châu Á cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác.

Vào những năm 1980 khi ngành công nghiệp nặng bắt đầu mở rộng, đã có một lượng đầu tư đáng kể vào giáo dục. Điều này bao gồm phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cũng như giáo dục đại học về khoa học và công nghệ.

Dân số ngày càng tăng cũng làm tăng quy mô lực lượng lao động, dẫn đến lực lượng lao động lớn, có trình độ cao. Lực lượng lao động thích nghi và có kỷ luật ở mỗi nền kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được các kết quả kinh tế tích cực.

Lợi ích lan tỏa trong xã hội

Công cuộc xóa đói giảm nghèo cũng thành công nhờ sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ nghèo tuyệt đối giảm từ 40,9% năm 1965 xuống 4,6% năm 1984. Mỗi nền kinh tế đều có thành tích xóa đói giảm nghèo tương tự nhau. Tuy nhiên, Singapore đã gần như xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo đói.

Một quan điểm cho rằng quản trị tốt là chìa khóa thành công. Chính quyền các khu vực ưu tiên quy định mạnh mẽ cùng với các biện pháp chống tham nhũng và các chính sách kinh tế bảo thủ cho phép mỗi nơi tiết kiệm được lượng vốn dự trữ đáng kể và tránh nợ nần.

Môi trường địa chính trị thuận lợi và khung thể chế đúng đắn cũng là điều kiện tiên quyết để chính quyền thực hiện các chính sách kinh tế mang lại thành công.

Thế mạnh của Việt Nam

Trong thời đại mới, Việt Nam đã được truyền thông quốc tế dự đoán sẽ là “Con hổ Châu Á mới”. Các tổ chức dự báo Việt Nam sẽ lấy lại đà phục hồi vào năm 2022 khi nhu cầu trong nước phục hồi và hoạt động xuất khẩu vẫn tăng mạnh.

Đây là nhận định của tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings vớikì vọng tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng lên 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023.

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao với vị trí thứ 44 trên thế giới vào năm 2018 theo đánh giá của UNIDO.

Công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 22 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2018.

Một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo định hướng chiến lược của ta đã trở thành các ngành công nghiệp lớn nhất đất nước, qua đó đưa nước ta cơ bản đã hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu với sự dẫn dắt của một số doanh nghiệp công nghiệp lớn như điện tử, dệt may, da giày…

Xét về ngành giáo dục, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 ở Việt Nam đã đạt 97,85%, trong đó nhóm tuổi 15-35 đạt 99,3%, tính đến năm 2020 – theo báo cáo của Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tại Hội nghị Tổng kết thực hiện đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.

Về xuất khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết trong năm 2021, Việt Nam đã vượt qua khó khăn và về đích ngoạn mục trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đạt con số kỷ lục 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn với ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng thành tích xuất siêu tiếp tục được giữ vững.

Cho đến hết quý III năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa vẫn nhập siêu 2,55 tỷ USD, nhưng với nỗ lực không ngừng trong quý IV, đến hết năm 2021 cán cân thương mại hàng hóa đã đạt xuất siêu 4,08 tỷ USD.

Như vậy, có thể thấy Việt Nam có những đặc điểm then chốt mà “Bốn con hổ Châu Á” thế kỉ trước từng trải qua.

Nếu duy trì được sức bật mạnh mẽ như những năm qua, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Con hổ châu Á mới”.

Tất Đạt

Nguồn Tất Đạt/Doanh nghiệp & Tiếp thị
Bài cùng chuyên mục