CEO Thế giới Di động: Học xong bài học thử nghiệm tại Campuchia, chúng tôi đã có lộ trình 5 năm cho thị trường Indonesia, bao gồm việc lên sàn chứng khoán
Thời gian đầu tiên, cửa hàng điện máy của MWG sẽ tập trung ở một số thành phố lớn của Indonesia. Mục tiêu 5 năm Thế giới Di động (MWG) sẽ mở một số lượng nhất định. Dù chưa thể tiết lộ về tên gọi cũng như kế hoạch cụ thể, CEO cho biết có thể không chỉ là mục tiêu về quy mô cừa hàng, doanh thu… MWG còn lên cả chiến lược lên sàn.
Trong động thái đáng chú ý mới đây, Thế giới Di động (MWG) cho biết sẽ mở rộng thị trường sang Indonesia, kế hoạch thực hiện ngay năm 2022. Thực tế, việc xuất ngoại đã sớm được manh nha và nằm trong lộ trình dài hơi của MWG, và bước đầu tiên là đưa chuỗi điện máy sang Campuchia 5 năm về trước. Cho đến quý 4/2021, MWG bắt đầu định hình rõ hơn về việc đầu tư thị trường ngoại mạnh mẽ sau khi đã có đủ kinh nghiệm, bài học tại thị trường Campuchia.
Học xong bài học ‘oversea’ tại Campuchia, đến lúc MWG thực hiện giấc mơ xuất ngoại
Trao đổi với chúng tôi, CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết hiện Công ty đã hoàn tất thương thảo và bắt đầu đưa người sang bên đó phối hợp với đối tác để cùng làm, cố gắng năm nay sẽ có những cửa hàng điện máy đầu tiên.
“Nói về chiến lược ‘oversea’ của MWG, chúng ta phải nhìn lại câu chuyện Công ty đánh quân sang Combodia 5 năm về trước với chuỗi điện thoại mang tên BigPhone. Sau 3 năm hoạt động tại đây, đến cuối năm 2020 MWG đã chuyển đổi hoàn toàn từ chuỗi điện thoại sang chuỗi điện máy và đổi tên thành Bluetronics.
Lúc bấy giờ, chúng tôi có khoảng 20 cửa hàng phải chuyển đổi, song song với việc mở thêm những cửa hàng mới. Tổng số lượng tính đến cuối năm 2020 là 50 cửa hàng Bluetronics, và nguyên một năm 2021 MWG tập trung vận hành khai thác.
Năm qua dù Campuchia cũng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, Bluetronics vẫn vượt qua và đạt được kế hoạch doanh thu. Dự kiến, đến tháng 6/2022 MWG sẽ chạm được điểm hoà vốn tại thị trường này”, ông Hiểu Em nói.
Bluetronics hiện đang dẫn đầu Campuchia về cả quy mô lẫn doanh thu. Và Campuchia theo đánh giá của ông chỉ là thị trường nhỏ, MWG không đặt mục tiêu mở rộng thêm nhiều nữa. Thay vào đó, Công ty sẽ dùng những bài học, kinh nghiệm hoạt động “oversea” có được để đánh quân sang các thị trường khác. Như vậy, năm 2022 với thị trường Campuchia Công ty sẽ mở thâm 10 cửa hàng nữa, còn lại tập trung khai thác thị trường Indonesia.
“Tại sao MWG chọn Campuchia là quốc gia đầu tiên, vì so với Việt Nam rất gần chúng tôi tiện để đi đi lại lại làm việc. Và sau 5 năm, MWG đã học đầy đủ những vấn đề liên quan về hoạt động ‘oversea’, bao gồm việc tìm thuê mặt bằng, mua bán, thói quen tiêu dùng, cả văn hoá con người…
Bây giờ là lúc MWG cần phải đi xa hơn. Cho nên, ý nghĩ đến thị trường thứ hai thì MWG đã nảy sinh trong đầu rất sớm, nhưng thực thi thì từ khoảng quý 4/2021 chúng tôi bắt đầu hình thành kế hoạch sâu hơn và tiềm hiểu thị trường nào có sự tiềm năng”, CEO nhấn mạnh.
Tại sao chọn thị trường Indonesia?
Thứ nhất, MWG cho biết nguyên tắc chọn thị trường phải chọn nơi có quy mô bằng hoặc thấp hơn Việt Nam tí xíu; tức không tạo khoảng cách quá xa. Ví dụ, MWG hiện không thể mở cửa hàng ở Singapore liền được.
Trong 10 nước Đông Nam Á, Indonesia theo ông Hiểu Em rất phù hợp. Là quốc gia có nhiều đảo, Indonesia hiện có diện tích lớn gấp 7 lần Việt Nam, dân số thì gấp khoảng 3 lần. Chưa kể, Indonesia có văn hoá mua sắm tương đồng với Việt Nam, đặc biệt thị trường điện máy còn sơ khai trong khi thị trường điện thoại đang ngang bằng với quy mô Việt Nam. Đây chính là cơ hội để MWG chinh phục giấc mơ xuất ngoại của mình.
Thứ hai, một yếu tố cũng quan trọng không kém chính là luật đầu tư ở nước sở tại. Và Indonesia đang rất cởi mở việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào.