“Vua Thép” Trần Đình Long lần đầu lọt top 1.000 tỷ phú giàu nhất hành tinh

Đây là lần đầu tiên ông chủ Hòa Phát vươn lên lọt top 1.000 trong bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes. Năm 2018 là lần đầu ông có tên trong danh sách này, thời điểm đó, ông Trần Đình Long có 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.756 thế giới.

Theo dữ liệu thời gian thực từ Forbes, ngày 1/3/2022, Việt Nam có 6 đại diện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.

Bảng xếp hạng của Forbes cho hay, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup) vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản 6,1 tỷ USD và đứng thứ 455 trong danh sách toàn cầu. Ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát) đứng thứ hai Việt Nam với tài sản 3,2 tỷ USD và đứng thứ 980 trong danh sách toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air) là người giàu thứ ba theo danh sách, với tài sản 2,9 tỷ USD và đứng thứ 1115 toàn cầu. Ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) nắm giữ vị trí thứ tư với 2,5 tỷ USD, đứng thứ 1267 toàn cầu.

Ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT Masan) đứng thứ năm với 2 tỷ USD, đứng thứ 1519 và ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Thaco) đứng thứ sáu, với 1,6 tỷ USD, đứng thứ 1901 toàn cầu.

Tổng tài sản của các tỷ phú Việt Nam hiện là 18,3 tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên ông chủ Hòa Phát vươn lên lọt top 1.000 trong bảng xếp hạng này. Năm 2018 là lần đầu tiên ông có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes, thời điểm đó, ông Trần Đình Long có 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.756 thế giới.

Năm 2019, “vua Thép” từng “rớt” khỏi danh sách này. Khi Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2019, Việt Nam có 5 đại diện sở hữu tài sản tỷ USD, không có tên ông Trần Đình Long, mặc dù ngay trước thời điểm công bố, tài sản của ông Long theo cập nhật của Forbes đã đạt 1 tỷ USD. Thực tế này xuất phát từ quy định trong việc tính toán giá trị tài sản. Theo lý giải của Forbes, để có tên trong danh sách này, phương pháp được tạp chí này lựa chọn để đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân là dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại một thời điểm cố định.

Nguồn tài sản chính của ông Long được Forbes thống kê đến từ số cổ phần của Hòa Phát mà ông sở hữu. Tại thời điểm Forbes lựa chọn để tính giá trị tài sản, cổ phiếu HPG trên sàn chứng khoán đang tạo đáy. Không lâu sau, tháng 5/2020, Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát đã trở lại danh sách tỷ phú của Forbes.

Cuối năm 2020, Tỷ phú Trần Đình Long trở thành người giàu thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt qua CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo.

Tháng 4/2021, ông Long đứng thứ 1.444 trong top tỷ phú của Forbes với khối tài sản 2,2 tỷ USD. Đến cuối năm, tài sản của ông đã tăng lên 3,1 tỷ USD. Kết quả này chủ yếu là nhờ cổ phiếu HPG tăng ấn tượng.

Tỷ phú Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 1986.

Thái Quỳnh

Nguồn Thái Quỳnh / Tri Thức Trẻ
Bài cùng chuyên mục