Vịnh Hạ Long và địa đạo Củ Chi lọt top điểm đến du lịch hấp dẫn thế giới

Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) vừa được bình chọn vào danh sách top 10 điểm đến du lịch hấp dẫn thế giới.

Trang du lịch Thetravel.com vừa có bài viết ca ngợi khu vực Đông Nam Á là điểm đến du lịch đầy hấp dẫn của thế giới vì những bãi biển đẹp, ẩm thực ngon và những trải nghiệm tuyệt vời, từ đi bộ đường dài xuyên rừng nhiệt đới đến lặn với ống thở ở những khu vực ven biển ngoạn mục nhất thế giới.

Trang du lịch uy tín này đã chỉ ra danh sách các địa mà du khách nên ghé thăm, trong đó Vịnh Hạ Long và địa đạo Củ Chi của Việt Nam lần lượt nằm ở vị trí thứ 9 và thứ 8.

Theo Thetravel, Vịnh Hạ Long là một trong những thắng cảnh địa lý của thế giới. Khung cảnh trên vịnh thực sự ngoạn mục với mặt biển xanh trải dài cùng hàng trăm đảo đá vôi nằm rải rác. Vịnh Hạ Long sở hữu những giá trị thẩm mỹ và địa chất, địa mạo nổi trội, được UNESCO nhiều lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Vịnh Hạ Long.

Đến Vịnh Hạ Long, du khách có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan ngắm cảnh, tắm biển, bơi thuyền, thả dù, lặn khám phá rặng san hô, câu cá giải trí. Du khách cũng có thể khám phá Vịnh Hạ Long bằng những dịch vụ mới đầy hấp dẫn như nghỉ dưỡng du thuyền 5 sao trên biển, trải nghiệm thủy phi cơ chiêm ngưỡng toàn cảnh di sản thế giới này, hoặc chèo thuyền kayak ngắm những dải san hô nhiều màu sắc và sống động trong vịnh rồi lên đảo khám phá đời sống người dân bản địa.

Trong khi đó, địa đạo Củ Chi được The Travel.com ca ngợi là điểm du lịch khám phá đầy hấp dẫn. Với hệ thống đường hầm xuyên lòng đất dài hơn 200km, địa đạo Củ Chi là cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ Tư lệnh Sài Gòn – Gia Định, góp phần không nhỏ vào công cuộc thống nhất đất nước.

Địa đạo Củ Chi. Ảnh internet

Về cơ bản, hệ thống địa đạo trong di tích chạy trong lòng đất, từ đường “xương sống” (đường chính) tỏa ra vô số nhánh, ăn thông với nhau, hoặc độc lập, tùy theo địa hình. Có nhiều nhánh trổ rộng ra sông Sài Gòn. Hệ thống đường hầm có khả năng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn hầm sâu chống được bom cỡ nhỏ.

Có những đoạn cấu trúc từ 2 đến 3 tầng (tầng trên gọi là “thượng,” tầng dưới gọi là “trầm”). Chỗ lên xuống giữa các tầng có nắp hầm bí mật. Trong địa đạo có những nút chặn ở những điểm cần thiết để ngăn địch hoặc chất độc hóa học do địch phun vào. Có những đoạn hẹp (eo), phải lách người mới chui qua được. Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi bên trên, được ngụy trang kín đáo và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật. Nhiều cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ bắn tỉa rất linh hoạt.

Dưới những khúc địa đạo ở khu hiểm yếu, có đặt hầm chông, hố đinh, cạm bẫy… Xung quanh cửa lên xuống hầm được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái (gọi là tử địa), có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng lựu đạn chống máy bay trực thăng, nhằm tiêu diệt, ngăn chặn quân địch tới gần. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng có thể mắc võng để nghỉ ngơi.

Trong hầm có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, có giếng nước, bếp “Hoàng Cầm,” hầm làm việc của lãnh đạo, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc cho phụ nữ, người già, trẻ em trú ẩn. Có những hầm lớn, mái lợp thoáng mát, bên trên ngụy trang khéo léo để hội họp, biểu diễn văn nghệ… Địa đạo đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Ngày nay, những đoạn hầm cho khách tham quan đều được lắp đèn.

HM (t/h)

NguồnDoanh nghiệp & Tiếp thị
Bài cùng chuyên mục