“Soi” tài sản của Nanogen và CEO Hồ Nhân trước khi “thoái vị”

CTCP Công nghệ Sinh học Dược Nanogen đã được định giá khoảng 5.100 tỷ đồng trước khi ông Hồ Nhân thôi là người đại diện pháp luật, nhưng doanh nhân này vẫn nắm giữ 59,6% cổ phần.

Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen được thành lập ngày 03/09/1997. Tại ngày 17/04/2017, vốn điều lệ Nanogen đạt 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Hồ Nhân sở hữu 70% cổ phần, vợ ông Nhân là bà Nguyễn Thị Hồng Vân sở hữu 25% và ông Hồ Thành Vũ nắm giữ 5% còn lại.

Định giá của Nanogen khoảng 5.100 tỷ đồng, cao hơn một số doanh nghiệp dược phẩm lớn trên sàn chứng khoán (ảnh: Nanogen)

Sau nhiều lần có sự biến động trong cơ cấu cổ đông Nanogen, tại ngày 22/5/2019, vốn điều lệ Nanogen đạt 715 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ vốn ngoại trong Nanogen tăng từ 16,28% lên 25,68% với sự tham gia chủ yếu của các quỹ và cá nhân đến từ Hàn Quốc. Đối tác Việt Nam duy nhất tham gia thương vụ này là Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cũng là doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc.

Báo cáo tài chính của KIS cho biết, doanh nghiệp này đã chi ra gần 11,6 tỷ đồng cho 162.500 cổ phần của Nanogen, tương đương mức định giá hơn 71.000 đồng cho mỗi cổ phần. Căn cứ theo mức giá này, định giá của Nanogen khoảng 5.100 tỷ đồng, cao hơn cả Imexpharm hay Traphaco – các doanh nghiệp dược phẩm lớn trên sàn chứng khoán.

Cập nhật tại lần thay đổi gần nhất ngày 26/3/2021, Nanogen có số vốn điều lệ 806,25 tỷ đồng, trong đó, cá nhân ông Hồ Nhân nắm giữ gần 60% cổ phần, bà Nguyễn Thị Hồng Vân sở hữu gần 15% cổ phần. Số cổ phần còn lại do các đối tác ngoại nắm giữ.

Như vậy, nếu tính theo mức định giá hơn 71.000 đồng/cổ phần mà KIS đã bỏ ra để tham gia vào Nanogen trước đó, khối tài sản của ông Hồ Nhân sở hữu tại doanh nghiệp này ước tính lên đến hơn 3.400 tỷ đồng. Với khối tài sản nắm giữ tại Nanogen, ông Hồ Nhân hiện đang ngang bằng thứ hạng tài sản với các gương mặt trên sàn chứng khoán Việt tính đến 22/3/2022 gồm Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ (sở hữu 3.124 tỷ đồng – xếp thứ 56), Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy (sở hữu 3.051 tỷ đồng – xếp thứ 58),…

Ngoài Nanogen, vào tháng 10/2016, ông Hồ Nhân còn thành lập Công ty TNHH Sản xuất Dược phẩm Nanogen Lâm Đồng (tên viết tắt Nanogen Pharma) với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.

Được biết đến là một doanh nhân có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, ông Hồ Nhân từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực tài chính. Ông từng tham gia Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Vina (VNSC) trong giai đoạn 2013-2016. Theo Forbes, nhà công nghệ sinh học này vốn có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, qua các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực dược, bệnh viện, thiết bị y tế tại Mỹ và Hong Kong.

Được biết, ông Hồ Nhân là con rể của nhà sáng lập Sơn Kim Group, đây là gia tộc giàu có được bà và người chồng quá cố của mình gầy dựng cùng sự kế nghiệp của kế nghiệp, phát triển từ một công ty may mặc, đến nay rất đa dạng ngành nghề kinh doanh như bất động sản, liên doanh- nhượng quyền thương hiệu, bán lẻ, thời trang, khai thác phim trường…

Từ ngày 29/12/2021, ông Hồ Nhân không còn giữ vị trí Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen (ảnh: Forbes)

Sơn Kim Group ngày nay hiện có khoảng 11 công ty con, công ty liên kết và công ty cháu với loạt dự án nổi tiếng như Gateway, Nassim, Metropolitan, chuỗi bán lẻ GS25, Jardin Des Sens, các thương hiệu thời trang VERA, JOCKEY… Riêng với công ty Nanogen, đã được nhiều người biết đến khi nghiên cứu Nanocovax, loại vaccine ngừa COVID-19 vẫn đang được thử nghiệm ở Việt Nam.

Tuy nhiên tại Nanogen, từ ngày 29/12/2021, ông Hồ Nhân không còn giữ vị trí Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen theo thông báo thay đổi đăng ký doanh nghiệp. Thay vào đó, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, vợ ông Hồ Nhân trở thành người đảm nhận vị trí này.

Bên cạnh đó, ông Hồ Nhân cùng vợ được biết sở hữu nhiều tài sản địa ốc có giá. Theo thông tin từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo, vợ chồng ông Hồ Nhân – bà Nguyễn Thị Hồng Vân thế chấp 5 căn hộ hạng sang để vay tiền từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Gia Định, thời điểm đăng kí giao dịch đảm bảo là 12/7/2021.

Đó là các căn hộ tại Tòa nhà The Galleria Residence, Lô 116, Khu chức năng số 1, Phường An Khánh, Quận 2 (nay là Thành phố Thủ Đức), TP. Hồ Chí Minh thuộc Dự án cụm nhà chung cư đa chức năng cao cấp với tên thương mại là The Metropole Thủ Thiêm. Đây là một trong những dự án bất động sản hạng sang tại TP. Hồ Chí Minh. Trên các trang website rao bán, Metropole Thủ Thiêm theo giới thiệu là thủ phủ mới của thành phố, nằm ngay vị trí đắc địa tại quận 2 giáp ranh trung tâm.

Các căn hộ ông Nhân – bà Vân thế chấp bao gồm các căn hộ số có diện tích sàn xây dựng từ 153,6 m2 đến 379,98 m2, giá 1 m2 sàn dao động từ 109 triệu đồng/m2 đến 209 triệu đồng/m2. Tổng giá trị các căn hộ thế chấp là 193,8 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là công ty cổ phần Quốc Lộc Phát.

Được biết, dự án Metropole Thủ Thiêm cũng gián tiếp thuộc sở hữu của Sơn Kim Land – công ty thuộc sở hữu của Sơn Kim Group. Nguyên nhân do Sơn Kim Land và công ty liên quan – CTCP Địa ốc Phúc Đạt đang sở hữu phần lớn cổ phần tại Công ty TNHH Gateway Berkeley. Trong khi đó, Gateway Berkeley hiện đang gián tiếp sở hữu lượng lớn cổ phần tại Quốc Lộc Phát – chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Sóng Việt (Metropole Thủ Thiêm) qua công ty TNHH Đầu tư TTSV.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp
Bài cùng chuyên mục