Bán tô phở giá 68-88 ngàn ở sân bay, chuỗi nhà hàng của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn thu lãi đậm hơn cả đại gia F&B Golden Gate
Trước đại dịch Covid, chuỗi phở sân bay Big Bowl từng "ăn nên làm ra"
Thành lập năm 2013, Công ty TNHH Autogrill VFS F&B là liên doanh giữa Autogrill, đơn vị có qui mô hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ ẩm thực & kinh doanh bán lẻ dành cho các khách du lịch và Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam.
Các thương hiệu quốc tế nổi tiếng của Autogrill bao gồm chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn thứ hai thế giới – Burger King, thương hiệu gà rán 45 năm tuổi – Popeyes Louisiana Kitchen, chuỗi cửa hàng cà phê yêu thích của Vương Quốc Anh – Costa Coffee, và một trong những chuỗi nhà hàng nổi bật nhất Châu Á – Crystal Jade Kitchen.
Ngoài ra, Autogrill cũng phủ sóng tại các sân bay với các thương hiệu như phở Big Bowl, Bánh mì kẹp, Saigon Cafe.Bar.Kitchen, và Hanoi Cafe.Bar.Kitchen
“Big Bowl tuân theo nguyên tắc truyền thống đun xương bò lăn tăn đủ 24 tiếng để cho ra một loại nước dùng trong, thanh ngọt tự nhiên. Hương vị thơm ngon của nước dùng được quyết định bởi các loại gia vị như hành và gừng nướng, thảo quả, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, quế thanh. Big Bowl cũng sử dụng 100% bò Úc và thịt gà chất lượng cao đạt quy chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.” – Trích giới thiệu trên trang chủ của Autogrill VFS F&B.
Giá của 1 bát phở Big Bowl cũng rất tương xứng với những mô tả kích thích vị giác trên, từ 68.000 – 88.000 đồng cho một bát tiêu chuẩn.
Thương hiệu phở Big Bowl từ khi khai trương nhà hàng đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất vào năm 2012 và liên tiếp mở các cửa hàng ở các cảng hàng không lớn của cả nước và là chuỗi cửa hàng phở ăn nên làm ra nhất hiện nay – dựa theo kết quả kinh doanh của Autogrill VFS F&B.
Trước thời điểm dịch Covid, Autogrill VFS F&B có kết quả kinh doanh tích cực. Trong vòng 4 năm từ 2015-2019, doanh thu của công ty tăng hơn gấp đôi từ 500 tỷ lên 1.158 tỷ đồng còn lợi nhuận thì tăng gần gấp 4, từ 76 tỷ lên 286 tỷ đồng.
Như vậy, năm 2019, bình quân 1 ngày các chuỗi của Autogrill (bao gồm phở Big Bowl) đã thu về doanh thu hơn 3 tỷ đồng và lợi nhuận gần 800 triệu đồng.
Nếu so sánh với Golden Gate, Autogrill có hiệu suất sinh lời cao hơn và có xu hướng tăng dần, từ 15% năm 2016 lên gần 25% năm 2019, trong khi tỷ lệ này ở Golden Gate trong 2019 đã về dưới 10%. Điều này đồng nghĩa, trong 100 đồng doanh thu thu về, Autogrill kiếm được 25 đồng LNTT, còn Golden Gate kiếm được chưa đến 10 đồng LNTT
Ông chủ chuỗi cửa hàng phở” lãi khủng” là ai?
Theo Nhịp sống kinh tế, Autogrill VFS F&B là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành dịch vụ hàng không mà tập đoàn IPP Group của ông Johnathan Hạnh Nguyễn xây dựng từ nhiều năm nay. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một doanh nhân nổi tiếng ở thị trường kinh doanh của Việt Nam và thế giới.
Ông là chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), là người hỗ trợ cho việc mở đường bay chính thức giữa Việt Nam và Philippines. Với kinh nghiệm, năng lực của mình, ông đã cùng với năm đối tác khác được Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không, Tổng công ty hàng không Việt Nam tin tưởng giao thực hiện dự án Nhà ga hành khách quốc tế – Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh với quyết tâm hoàn thành dự án trong vòng 18 tháng kể từ ngày khởi công.
Ông đã hợp tác với các đối tác như: DFS, SASCO, AUTOGRILL để đầu tư mở hàng loạt chuỗi cửa hàng miễn thuế, chuỗi cửa hàng lưu niệm, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và nhiều dịch vụ phi hàng không trên khắp các sân bay Việt Nam, Philippines… Được mệnh danh là “vua hàng hiệu” ông Hạnh Nguyễn cũng đã đổ 40 triệu USD vào khu mua sắm cao cấp Rex Arcade nằm trong khách sạn Rex, một trong những kiến trúc mang phong cách Pháp và là biểu tượng của Sài Gòn được xây dựng từ năm 1927.
Chưa dừng lại, vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn còn là một trong những thành viên mang lại cho IPP Group doanh thu lớn nhất là Công ty Imexpan Pacific, nhà phân phối độc quyền nhiều sản phẩm hàng hiệu tại Việt Nam cũng đã rót 400 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza.
Tuy quá khứ lãi khủng nhưng việc “sống dựa” vào ngành hàng không hẳn đã khiến doanh thu 2 năm Covid 2020 – 2021 của chuỗi cửa hàng sân bay trong hệ thống Autogrill VFS F&B rơi vào tình trạng “thê thảm” và có lẽ sẽ hồi phục phần nào trong năm 2022 khi du lịch mở cửa trở lại.
Trong tháng 3/2020, Autogrill VFS F&B có động thái đáng chú ý trong việc thay đổi đăng ký kinh doanh chuyển ngành kinh doanh chính thành Bán buôn tổng hợp – thực hiện quyền xuất nhập khẩu (không thực hiện quyền phân phối) với 1 số mặt hàng có mã chi tiết.
Trọng Nghĩa (Tổng hợp)