Những dấu ấn của tuyển Việt Nam tại vòng loại 3 World Cup 2022

Mười trận đấu của tuyển Việt Nam vòng loại 3 World Cup 2022, dù không có kỳ tích nào xuất hiện, nhưng những dấu ấn mà thầy trò HLV Park Hang-seo để lại xứng đáng được nhớ mãi.

Hành trình của tuyển Việt Nam tại vòng loại 3 World Cup 2022 đã đi qua đầy cảm xúc. HLV Park Hang-seo và những người học trò đã viết nên chương cuối hào sảng bằng cách cầm hoà tuyển Nhật Bản trên chính sân nhà của họ.

Đầu tháng 9/2021, trước khi vòng loại cuối khởi tranh, người ta đã nói rất nhiều về sự khốc liệt của nó. Dù không mấy ai kỳ vọng tuyển Việt Nam phải giành vé đi World Cup ở ngay lần đầu tiên đặt chân đến vòng loại cuối cùng này, nhưng khi những kết quả bất lợi đến, sự chỉ trích lại nổi lên như gió mùa.

Nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến đoàn quân của ông Park. Họ vẫn cứ là chính mình, thi đấu hết khả năng. Thua thì thua, nhưng từng phút trên sân vẫn phải chạy hết mình.

Bởi lẽ nhiệm vụ của họ là những người đi tiên phong. Họ đến với mục tiêu để lại dấu ấn cho bóng đá Việt Nam tại sân chơi tối thượng của châu lục và để mở đường cho tương lai. Và những dấu ấn của tuyển Việt Nam tại vòng loại 3 World Cup 2022 đã để lại xứng đáng để được nhớ mãi.

1. Làm khó “đại gia”

Nếu nói châu Á có 5 “ông kẹ” là Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia, Saudi Arabia thì tuyển Việt Nam xui rủi đã lọt vào bảng B với 3 trong số đó. Ba đội bóng với tổng 16 lần tham dự vòng chung kết World Cup (tính đến trước khi vòng loại 3 bắt đầu), 8 cúp vô địch châu Á rõ ràng sẽ chẳng có cơ hội nào cho tuyển Việt Nam trong 1 bảng đấu như vậy, chứ chưa nói đến 2 đội tuyển còn lại (Oman, Trung Quốc) cũng vượt trội về mọi mặt.

Nhưng hãy xem các cầu thủ Việt Nam đã làm gì. Ngay trong 3 phút đầu tiên có mặt tại vòng đấu này, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, Quang Hải tung cú sút xa ghi bàn vào lưới tuyển Saudi Arabia làm ngỡ ngàng tất cả. Dù chung cuộc chủ nhà thắng 3-1, đây sẽ là dấu son trong sự nghiệp Hải “con” và của cả bóng đá Việt Nam.

Trận đấu thứ 2 chứng kiến 1 tuyển Việt Nam lì lợm buộc tuyển Australia thắng tối thiểu trên sân Mỹ Đình. Tương tự là các đội tuyển Nhật Bản (lượt đi) và Saudi Arabia (lượt về) cũng không thể ghi hơn 1 bàn tại đây.

2. “Phá đám” ngày vui của tuyển Nhật Bản

Tuyển Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao của sự “phá bĩnh” trong trận đấu cuối cùng trên sân nhà của tuyển Nhật Bản tối 29/3. Tuyển Nhật Bản muốn kết thúc vòng loại và ăn mừng chiếc vé chính thức đến Qatar bằng 1 chiến thắng.

Nhưng tình huống Thanh Bình bật cao đánh đầu đã dội 1 gáo nước lạnh lên đầu đội chủ nhà. Người ta thấy tuyển Nhật Bản bế tắc như thế nào trước hàng phòng ngự kín kẽ của các “Chiến binh sao vàng” để rồi nửa sau hiệp 2, HLV Hajime Moriyasu đã mất kiên nhẫn và tung các trụ cột vào sân nhưng cũng không thể chiến thắng.

Cầm bóng chỉ 27% và chỉ cần 1 cú sút để có bàn thắng so với 73% kiểm soát bóng tung 24 cú sút để có kết quả tương tự của tuyển Nhật Bản. Tuyển Việt Nam đã thực sự trở thành 1 “vị khách khó chịu” đúng nghĩa khiến ông Moriyasu phải cảm thán sau trận: “Họ đã phòng ngự quá ổn định”.

Trung vệ Thanh Bình ăn mừng bàn thắng vào lưới tuyển Nhật Bản (Ảnh: Getty)

3. Chiến thắng lịch sử trong ngày đầu năm

Thua sát nút 2-3 trước người hàng xóm Trung Quốc trong trận lượt đi, người hâm mộ mong đợi các cầu thủ sẽ mang niềm vui về trong trận lượt về.

Ý nghĩa của trận đấu này được đẩy lên cao khi diễn ra đúng vào ngày đầu năm âm lịch, và cả 2 quốc gia đều chào đón khoảng thời gian đặc biệt này. Trên sân nhà Mỹ Đình, tuyển Việt Nam đã chơi trận hay nhất giải.

Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng tái xuất sau thời gian dài dưỡng thương và có 2 kiến tạo cho Tấn Tài và Tiến Linh ghi bàn. Phan Văn Đức lập 1 siêu phẩm sút xa trước khi đội khách có 1 bàn danh dự.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sau trận đã xuống tận nơi trao lì xì và chúc mừng tập thể đội đã giành chiến thắng, mang về món quà Tết cho người hâm mộ.

Khắp nơi, câu chuyện đầu năm thêm rôm rả với chiến thắng đầu tiên của thầy trò HLV Park Hang-seo. Thành tích này còn giúp tuyển Việt Nam lưu danh với vị thế đại diện Đông Nam Á đầu tiên giành được 3 điểm tại 1 trận đấu vòng loại cuối World Cup.

Tiến Linh ăn mừng bàn thắng vào lưới tuyển Trung Quốc ngay ngày đầu tiên của năm mới âm lịch (Ảnh: Sơn Tùng)

4. Kỷ lục điểm số

Với 1 trận hoà và 1 trận thắng sau 10 lượt trận, tuyển Việt Nam có 4 điểm để cân bằng thành tích điểm số cao nhất của một đội bóng Đông Nam Á tại vòng loại cuối World Cup mà tuyển Thái Lan đang nắm giữ. Đội bóng xứ chùa vàng có 4 điểm tại vòng loại cuối World Cup 2002 nhưng cách đây 5 năm chỉ có được 2 điểm với 2 trận hoà tại vòng loại cuối World Cup 2018.

5. Kỷ lục bàn thắng

Sau 10 trận đấu, dù kết quả không bất ngờ khi tuyển Việt Nam chỉ có thể cán đích ở vị trí thấp nhất bảng đấu, nhưng nếu xét về khả năng tấn công, tuyển Việt Nam đã vượt tuyển Thái Lan.

Ở vòng loại cuối World Cup 2002, “Voi chiến” chỉ ghi 5 bàn, tại vòng loại 3 World Cup 2018 họ cũng chỉ có 6 bàn thắng. Như vậy, đội tuyển Việt Nam đã trở thành đội bóng Đông Nam Á ghi nhiều bàn thắng nhất tại vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup với 8 bàn.

Một chi tiết khá thú vị là ở cả trận đấu đầu tiên gặp tuyển Saudi Arabia và trận cuối cùng gặp tuyển Nhật Bản, tuyển Việt Nam luôn là bên mở tỉ số.

6. Tiến Linh sánh ngang anh hào châu lục

Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh đã ghi được 3 bàn thắng tại vòng đấu này. Các bàn thắng được ghi vào lưới tuyển Trung Quốc (2 bàn) và tuyển Oman. Thành tích này đưa cầu thủ của CLB Bình Dương sánh ngang với các tên tuổi như Sardar Azmoun (Iran) và Ali Mabkhout (UAE).

Anh chỉ kém top đầu của những Son Heung-min (Hàn Quốc), Junya Ito (Nhật Bản), Mehdi Taremi (Iran),… đúng 1 bàn mà thôi.

7. Làm quen với VAR

Bước ra biển lớn nghĩa là phải làm quen với những cơn sóng. Trợ lý trọng tài video (VAR) chưa được triển khai tại Việt Nam đã khiến các cầu thủ bỡ ngỡ khi bước vào vòng đấu cuối.

Ngay ở trận đấu đầu tiên gặp tuyển Saudi Arabia, Duy Mạnh đã phạt lỗi trong vòng cấm sau 1 tình huống VAR can thiệp. Đỉnh điểm phải là trận đấu gặp Oman tại Muscat. Các trọng tài đã xem lại băng hình đến 5 lần với tổng thời gian gần 8 phút, trong đó có tình huống “soi đến từng centimet” ở tình huống Tiến Linh ghi bàn.

Dù không phải tất cả các tình huống check VAR đều bất lợi cho đội tuyển Việt Nam, như cách mà các trọng tài phủ nhận bàn thắng của tiền vệ Nhật Bản Ao Tanaka trong trận đấu tối 29/3, nhưng đây cũng là nhưng kinh nghiệm xương máu cho bóng đá Việt Nam.

Thành Đạt

Nguồn Tổ Quốc
Bài cùng chuyên mục