Cú lừa “cao tay” ngày Cá tháng Tư của Google, tưởng nói chơi mà làm thật: Kéo dài suốt… 18 năm, vĩnh viễn thay đổi lịch sử công nghệ, trở thành vật “bất ly thân” của 1,9 tỷ người trên thế giới

Cao tay như ông lớn Google trong ngày Cá tháng Tư: lừa người bằng cách… không lừa!

Cá tháng Tư (1/4) là dịp hiếm hoi mà mọi người có thể thoải mái nói dối để trêu chọc nhau mà không sợ phiền nhiễu. Nhiều “ông lớn” trong ngành công nghệ cũng tranh thủ ngày này để đùa vui với khách hàng theo cách của riêng mình.

Cứ lừa thế kỷ khiến giới công nghệ “vò tai bứt tóc”

Nói về chơi khăm, khó có doanh nghiệp nào lại vượt mặt Google. Tập đoàn này nổi tiếng với những trò đùa tinh quái khiến khách hàng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Năm 2004, Google nối tiếp truyền thông ngày Cá tháng Tư khi tung ra tận 2 thông tin nghe chừng rất hoang đường, khiến mọi không thể phân biệt thật giả.

Đầu tiên, Google đăng thông tin tuyển dụng cho vị trí kỹ sư tại trung tâm nghiên cứu sắp mở trên… Mặt trăng. Hàng nghìn người cả tin đã gửi đơn đăng ký để rồi mừng hụt khi biết rằng đây chỉ là một trò đùa Cá tháng tư của tập đoàn này.

Tuy nhiên, cùng ngày hôm đó, Google còn công bố một thông tin khác vô cùng sốt dẻo: họ sẽ ra mắt dịch vụ thư điện tử hoàn toàn mới, với dung lượng bộ nhớ lên tới 1.000 MB – tương đương với hơn 500.000 thư.

Vào thời điểm đó, Hotmail chỉ cho người dùng 2 MB dung lượng bộ nhớ, còn Yahoo Mail nhỉnh hơn một chút với 4 MB. Với dung lượng bộ nhớ gấp 250-500 lần đối thủ, dịch vụ mới của Google sẽ giúp người dùng không còn phải xóa thư sau mỗi lần đọc.

Ngay lập tức, công bố trên đã thu hút sự chú ý của truyền thông và người dùng toàn cầu. Đa số đều tỏ ý ngờ vực, không tin rằng Google lại cho ra đời một dịch vụ “tiện lợi quá mức” đến vậy. Giới công nghệ cũng chẳng “đánh hơi” được tí thông tin nào liên quan đến dự án này trước đó.

Hai cha đẻ của Google: Larry Page và Sergey Brin

Chưa kể, thông cáo báo chí mà Google đưa ra được viết khá thân mật và dễ thương. Điều này càng khẳng định niềm tin của cộng đồng mạng về một trò chơi khăm khác là có cơ sở.

“Cảm hứng để chúng tôi tạo ra Gmail đến từ một người dùng Google. Cô ấy phàn nàn về chất lượng tồi tệ của những dịch vụ thư điện tử hiện hành. Cô ấy nói rằng mình phải tốn hàng giờ đồng hồ phân loại và tìm kiếm thư, hoặc xóa thư điên cuồng vì chẳng còn đủ dung lượng.

Vì thế, cô ấy đã hỏi chúng tôi: ‘Mấy người không làm được gì sao?’

Ý tưởng về một dịch vụ thư điện tử tốt hơn đã thu hút sự chú ý của một kỹ sư Google – người ban đầu tưởng rằng đây chỉ là một dự án ‘nghĩ cho vui”. Sau hàng triệu viên M&M được tiêu hóa, Gmail đã ra đời”, co-founder Larry Page của Google viết.

Có thể nói, trong mắt mọi người, việc Google tạo ra một thứ gì đó mà không phải thanh công cụ tìm kiếm là chuyện hết sức hoang đường.

Trò chơi khăm tồn tại gần 2 thập kỷ

Theo Georges Harik – Giám đốc bộ phận phụ trách startup của Google lúc bấy giờ, giới truyền thông phải mất một lúc lâu mới nhận ra Gmail là một dự án có thật.

“Cánh nhà báo gọi điện và hỏi chúng tôi: ‘Mấy người đang đùa hay làm thật vậy?’”, ông nhớ lại. “Lúc đó khá buồn cười”.

Trước đó, trang CN đã bày tỏ sự hoài nghi về độ xác thực của thông tin: “Google cũng đã từng chơi khăm giới công nghệ trong ngày Cá tháng Tư”. Chuyên trang tài chính The Motley Fool cũng không thể tin vào mắt mình: “Giống như một trò đùa Cá tháng Tư đến từ Google. Thật sự đấy!”.

Nhiều người coi đây là chiêu trò PR lộ liễu, nhưng Sergey Brin – co-founder của Google – lại không hề nghĩ vậy.

Trong cuốn sách “In the Plex”, nhà báo Steven Levy từng kể: “Nhiều năm sau, Brin vẫn hào hứng khi nhắc đến cú lừa ‘ngược’ – lừa bằng cách không nói dối”. Cựu quản lý của Google cũng xác nhận: “Khi ấy, Google đã lên kế hoạch tổ chức một trò chơi khăm điên rồ vào ngày Cá tháng Tư, một trò chơi mà vẫn có thể tồn tại tiếp đến ngày hôm sau”.

Cú lừa “Gmail” có thể không phải điều hài hước nhất Google từng thực hiện trong ngày Cá tháng Tư, nhưng chắc chắn là điều quan trọng nhất.

Bước ngoặt này đã biến một startup non trẻ trở thành một trong những công ty Internet lớn nhất thế giới chỉ vài năm sau đó. Họ không chỉ dừng lại ở thư điện tử, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực liên quan như lưu trữ đám mây, ứng dụng web,…

18 năm trôi qua, nhiều đối thủ sừng sỏ một thời của Google cũng phải tìm cách bắt chước Gmail. Họ sao chép nó tỉ mỉ đến mức người ta quên đi thư điện tử đã từng tồi tệ như thế nào trước cú lừa thế kỷ này: chật chội, chậm chạp và đầy thư rác. Bạn thậm chí còn không thể sắp xếp tin nhắn theo nội dung. Bộ nhớ không đủ dung lượng, buộc bạn phải dành hàng giờ đồng hồ để xóa thư cũ hoặc mua thêm bộ nhớ từ nhà cung cấp.

Gmail ra đời, sử dụng Ajax thay vì HTML đơn giản và cũ kỹ, đã chứng minh cho mọi người thấy các ứng dụng web có thể chạy mượt mà như thế nào. Nó cho chúng ta thấy sức mạnh của lưu trữ đám mây.

Hiện tại, Gmail là nền tảng thư điện tử phổ biến nhất thế giới, với hơn 1,9 tỷ người dùng. Theo ước tính, dịch vụ thư điện tử này có thể đạt doanh thu “khủng” lên tới 120 triệu USD/ngày nhờ quảng cáo.

Quả thực, chẳng ai ngờ rằng cú lừa Cá tháng Tư của Google năm đó sẽ kéo dài tận 18 năm và chi phối cuộc sống của con người nhiều đến thế!

(Nguồn: Slate, Time,…)

Nguồn Trí thức trẻ
Bài cùng chuyên mục