Giấc mơ ô tô điện của Honda: Sẽ ra mắt 30 mẫu EV trong 10 năm, quyết tâm thoát mác ‘chỉ kiếm được tiền nhờ kinh doanh xe máy’

Liệu "ông vua xe máy" Honda có thể thành công với ô tô điện?

Tờ Nikkei nhận định, nhìn vào giá cổ phiếu của Honda Motor có thể thấy kế hoạch bán thêm ô tô điện mới của hãng này đã khiến giới đầu tư không mấy hào hứng. Với tỷ suất lợi nhuận kinh doanh mảng ô tô thường xuyên thấp, điều đó dường như không có gì ngạc nhiên.

Tháng này, Honda cho biết họ đặt mục tiêu tung ra 30 mẫu xe điện (EV) vào năm 2030. Một năm trước đó, công ty tuyên bố sẽ ngừng bán ô tô chạy xăng vào năm 2040. Chiến lược mới của công ty là để trả lời những người chỉ trích khi cho rằng cam kết của Honda thiếu cụ thể.

Chủ tịch Toshihiro Mibe cho biết: “Chúng tôi đã suy nghĩ làm thế nào để đạt được mục tiêu này kể từ tháng 4/2021. Với triển vọng còn mơ hồ, chúng tôi đã lập đi lập lại kế hoạch của mình”.

Kế hoạch mới nhất yêu cầu tăng cường sản xuất xe điện lên hơn 2 triệu xe mỗi năm, tương đương khoảng 40% sản lượng ô tô của công ty vào năm 2030.

Tuy nhiên, cổ phiếu của Honda đã giảm 5 yên vào ngày thông báo này được đưa ra, xuống còn 3.229 yên/1 cổ phiếu.

Shinya Naruse, một nhà phân tích tại Okasan Securities cho biết: “Chúng tôi không nhận thấy có bất kỳ thứ gì chúng tôi mong đợi khi nhìn vào các chiến lược của Honda, chẳng hạn như sự hợp lực với hoạt động kinh doanh xe máy của hãng”.

Giá trị vốn hóa thị trường của Honda vào ngày hôm đó là 5,85 nghìn tỷ yên (45,7 tỷ USD), giảm nhẹ so với mức trước khi tuyên bố chuyển sang hoàn toàn bằng điện vào tháng 4/2021. Trong thời gian này, các đối thủ của họ cũng chạy đua phía trước. Vốn hóa thị trường của Tesla tăng 47%, trong khi BYD của Trung Quốc và Toyota Motor lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng 37% và 24%.

Khả năng sinh lời thấp đối với ô tô và xe tải là lực cản lớn hơn đối với giá cổ phiếu của Honda, nhiều hơn cả bất kỳ sự thất vọng nào đối với chiến lược EV của họ. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động của phân khúc này giảm ở mức 3% từ tháng 4 đến tháng 12/2021 – mặc dù đã cải thiện từ 1% cho năm kết thúc vào tháng 3/2021. Công ty tiếp tục dựa vào mảng kinh doanh xe máy, với tỷ suất lợi nhuận 15%, giúp nâng con số tỷ suất lợi nhuận chung của tập đoàn lên 6%.

Một trở ngại đối với mục tiêu đạt lợi nhuận cao hơn là chi phí R&D (Nghiên cứu và phát triển). Với danh tiếng là nhà tiên phong về công nghệ, Honda chi khoảng 800 tỷ yên hàng năm cho nghiên cứu và phát triển bất kể lợi nhuận đạt được là bao nhiêu. Việc rót vốn hào phóng này đã tạo ra một số đổi mới đặc biệt nhất của công ty, như robot hình người Asimo và HondaJet. Tuy nhiên, những thứ này không đóng góp được nhiều để cải thiện tỷ suất lợi nhuận trong mảng ô tô.

Tổng lợi nhuận hoạt động của Honda trong 5 năm đến tháng 3/2021 chỉ bằng một nửa số tiền mà hãng đã chi cho R&D ô tô trong khoảng thời gian 5 năm trước đó.

Ngược lại, Toyota đã kiếm được lợi nhuận hoạt động tổng hợp trong cùng thời hạn 5 năm, cao hơn gấp đôi so với chi phí R&D.

Honda đã cố gắng kiềm chế chi tiêu cho R&D. Người tiền nhiệm của Mibe, ông Takahiro Hachigo, đã thực hiện một động thái chưa từng có vào tháng 4/2020 để đại tu công ty con Honda R&D, từng được coi là giới hạn cho việc cải tổ. Hầu hết nhóm phát triển ô tô của đơn vị đã được chuyển đến trụ sở chính để làm việc hiệu quả hơn với các đội sản xuất và tiếp thị.

Hachigo cũng thay đổi lập trường của mình về khả năng tự lực của Honda, điều mà hãng xe này đã tự hào từ lâu. Từng từ chối chia sẻ động cơ và nền tảng xe với các nhà sản xuất ô tô khác vì cho rằng công ty sẽ mất đi “thứ khiến Honda trở thành Honda”. Ông Hachigo sau đó đã chủ trì một thỏa thuận hợp tác vào tháng 9/2020 với General Motors.

Mibe đang tìm cách di chuyển nhanh hơn theo hướng này. Theo chiến lược mới kêu gọi đầu tư 5 nghìn tỷ yên vào xe điện và các lĩnh vực khác vào cuối tháng 3/2031, Honda sẽ tăng cường liên minh với GM, chia sẻ nền tảng xe điện và thậm chí phát triển xe cùng nhau. Công ty cũng đang bắt tay với Tập đoàn Sony, một công ty ngoài ngành, để tăng cường hiệu quả R&D.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Honda nên đi xa hơn nữa.

Seiji Sugiura tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết: “Nếu hợp tác với GM và Sony mang lại kết quả, Honda nên thu hẹp quy mô đầu tư nhiều hơn”.

Nguồn: Nikkei

Phương Linh | Nhịp sống kinh tế

NguồnNhịp sống kinh tế
Bài cùng chuyên mục