Facebook hết thời, trở thành ‘trang mạng dành cho người già’: Cái giá của việc ‘núp bóng’ Mark Zuckerberg – CEO bao năm chỉ mặc chiếc áo phông xám và quần jeans?

Facebook liệu đã thực sự 'nghỉ hưu'?

“White hot” là bộ phim tài liệu phác họa chuỗi ngày thăng trầm của Abercrombie & Fitch, một nhãn hiệu thời trang Mỹ bên bờ thoái trào sau khi chứng kiến đà tăng trưởng vượt bậc vào đầu những năm 2000.

Bộ phim khai thác sâu nỗi “ám ảnh” của Abercrombie & Fitch trong việc tuyển dụng đội ngũ nhân viên – những người nhất định phải có ngoại hình và làn da trắng sáng. Điều này, cộng hưởng cùng những thiết kế lỗi thời, chẳng hạn như quần jean cạp trễ hay áo phông đơn điệu, đã khiến Abercrombie & Fitch dần bị lãng quên. Cái giá của việc gắn bó quá lâu với một thế hệ là thế hệ sau sẽ không còn dành nhiều sự hứng thú nữa.

Theo The Economist, những gì đang xảy ra với Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, cũng tương tự như vậy. Sự đơn điệu của Facebook được thể hiện qua chính hình ảnh CEO của nó, tỷ phú Mark Zuckerberg, người chỉ xuất hiện trước báo giới với quần jean và chiếc áo phông quen thuộc.

TRANG MẠNG DÀNH CHO NGƯỜI GIÀ

Facebook vốn được biết đến như một nơi để các sinh viên chưa tốt nghiệp Harvard đánh giá về ngoại hình của nhau, song giờ đây lại bị xem như một trang mạng dành cho người già ở độ tuổi 40 và 50, theo The Economist. Các nhà đầu tư cũng thừa nhận Facebook “không còn hợp thời” khi giá trị vốn hóa sụt giảm tới 35% trong năm nay, bao gồm cả đợt “bốc hơi” 232 tỷ USD hồi tháng 2, mức giảm kỷ lục trong 1 ngày trên thị trường chứng khoán.

Thực tế, nhiều vấn đề của Facebook đang bị phóng đại quá mức. Lượng người dùng theo ngày của Facebook vẫn đạt 2 tỷ người, tức gần 1/3 dân số toàn cầu. Việc sụt giảm 1 triệu người dùng tại Ấn Độ trong quý IV/2021 chỉ là một phần hệ quả của đà tăng giá dữ liệu di động.

Facebook có thể mất tới 10 tỷ USD doanh thu trong năm nay sau khi Apple thay đổi quy tắc bảo mật

Tuy nhiên, nếu xét đến việc Apple thay đổi quy tắc bảo mật, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều. Facebook cho biết việc Apple thay đổi cách quảng cáo hoạt động trên ứng dụng iOS, cụ thể là sẽ khiến các nhà sản xuất ứng dụng và quảng cáo gặp khó khăn hơn trong việc theo dõi hành vi người dùng, sẽ khiến Facebook mất tới 10 tỷ USD doanh thu trong năm nay. Facebook sau đó đã nhanh chóng nghĩ ra các giải pháp thay thế, chẳng hạn như hạn chế tối đa mức giảm hiệu quả quảng cáo.

Dẫu vậy, ngay cả khi những rào cản trên được dỡ bỏ, sự già đi của Facebook dường như là điều bất di bất dịch. Ở những quốc gia phát triển, giới trẻ luôn là đối tượng được nhắm đến đầu tiên với mảng kinh doanh quảng cáo, song điều này đang dần biến mất với Facebook.

Tại 5 quốc gia quan trọng nhất của Facebook, lượng đăng ký tài khoản người dùng mới dưới 18 tuổi đã giảm 1/4 trong suốt một năm. Chính Mark Zuckerberg cũng thừa nhận rằng đúng là Facebook đang “thờ ơ” với những người dùng trẻ tuổi trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh lớn, đặc biệt là TikTok, đang không ngừng bành trướng.

NỖ LỰC, NHƯNG CHƯA ĐỦ?

Trước đây, Facebook luôn ưu tiên mạng xã hội. Thậm chí, sau khi mua lại Instagram vào năm 2012, công ty này còn hạn chế tuyển dụng các cựu nhân viên Instagram vì lo sợ ứng dụng mới sẽ soán ngôi vị trí số một của Facebook.

Meta cũng nỗ lực phát triển đối tượng người dùng trẻ, chẳng hạn như cho ra mắt các dự án Messenger Kids hay Instagram Kids, dù cả hai đã bị tạm dừng ngay sau đó. Reels, sản phẩm video ngắn cũng được Meta ứng dụng như một cách để tăng cường phản công chống lại TikTok. Thậm chí, Mark Zuckerberg còn đổi tên công ty từ Facebook sang Meta để tái khẳng định thương hiệu.

Mark Zuckerberg trong chiếc áo phông và quần jeans quen thuộc

Đó rõ ràng đều là những thay đổi đúng đắn, song mọi người vẫn đặt ra câu hỏi, rằng liệu khi nào thì Facebook sẽ “nghỉ hưu”? Họ sợ rằng mạng xã hội này, một ngày nào đó, sẽ chỉ còn lại tàn tích và trở thành “thành phố ma” đích thực.

Thực tế, thay vì ở lại với Facebook, người dùng trẻ tuổi đang chuyển qua các ứng dụng khác mới mẻ hơn như Snap hay BeReel – ứng dụng tin nhắn ảnh đang vô cùng phổ biến. Facebook rõ ràng đang mất đi sức hút của mình với vai trò là một nơi giao lưu kết nối, dù nó đã cố gắng làm mới mình để trở thành một nền tảng khác.

Trong lĩnh vực giải trí, TikTok vươn lên như một kẻ thống trị. Reels ra đời sau đó như một sự cứu cánh để cạnh tranh với ứng dụng được tải xuống nhiều nhất vào năm 2021 và thậm chí còn vượt qua Instagram về mức độ phổ biến của những người dùng trẻ tuổi.

Đáng tiếc, hầu như bất kỳ ai sử dụng Reels đều nhận xét nó giống như bản sao của TikTok. Sự gia tăng thời gian dành cho Reels cũng đồng nghĩa với việc người dùng sẽ dành ít thời gian hơn cho các tính năng cũ như Feed hay Stories – những định dạng hiện đang tạo ra nhiều doanh thu quảng cáo cho Facebook. Reels theo đó vẫn còn nhiều những hoài nghi, dù phía Meta vẫn liên tục khẳng định đang nỗ lực cải thiện tính năng mới cho thật hoàn hảo.

Theo: The Economist

Huệ Anh | Nhịp sống kinh tế

Nguồn Nhịp sống kinh tế
Bài cùng chuyên mục