Tất tần tật về nhà ở xã hội: Nhà ở xã hội là gì? Ai được ưu tiên chọn mua? Mua rồi có được thế chấp hay bán lại không?

Thông tin Vingroup tuyên bố tham gia phân khúc nhà ở xã hội với 500.000 căn, giá dưới 1 tỉ đồng/căn đã làm dậy sóng thị trường bất động sản vài ngày qua. Vậy cụ thể, nhà ở xã hội là gì, và điều kiện thế nào thì được mua?

Nhà ở xã hội là gì?

Nhà ở xã hội là nhà ở thuộc sở hữu và quản lý của cơ quan nhà nước (có thể là trung ương hoặc địa phương) hoặc được các tổ chức phi lợi nhuận xây dựng để cung cấp nhà ở giá rẻ dành cho một số đối tượng thuộc chính sách ưu tiên trong xã hội như công chức nhà nước hoặc người có thu nhập thấp mà chưa có nhà ở thuê hoặc mua. Loại hình nhà này được cung cấp ra thị trường với mục đích đưa cơ hội sở hữu căn hộ với mức giá thấp hơn (thấp hơn nhà ở thương mại) cho những đối tượng nằm trong chính sách, đặc biệt là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Thông thường, nhà ở xã hội ở Việt Nam thường có 2 loại: loại do Nhà nước đầu tư xây dựng và loại do các doanh nghiệp tư nhân xây dựng. Cụ thể:

1. Loại do Nhà nước đầu tư, xây dựng với mục đích là nhà ở xã hội

2. Loại do doanh nghiệp tư nhân xây dựng rồi bán lại cho quỹ nhà ở xã hội, theo các hình thức đặc thù như giảm thuế VAT, giảm thuế đất,…

3. Nhà ở thương mại nhưng phải bán lại 5% cho vào quỹ nhà ở xã hội địa phương theo pháp luật hiện hành.

Nhà ở xã hội tại các đô thị thường là nhà chung cư, diện tích mỗi căn không quá 70 m²/sàn, nhưng không được dưới 30 m²/sàn, đồng thời vẫn phải đảm bảo các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định của từng loại đô thị.

Về mặt ưu điểm, so với nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá thấp hơn. Người mua được miễn tiền sử dụng đất, được hưởng ưu đãi về thuế VAT và được Nhà nước hỗ trợ vay tiền mua nhà với lãi suất thấp. Tuy nhiên, loại hình này cũng có nhược điểm như giới hạn đối tượng mua, mỗi hộ gia đình chỉ được mua nhà ở xã hội một lần và không có nhiều tiện ích hấp dẫn như nhà ở thương mại.

Những ai được chọn mua nhà ở xã hội?

Theo điều 49 trong Luật nhà ở 2014, có 10 trường hợp được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đó là:

1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;

3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;

4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;

5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;

7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này;

9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;

10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Ngoài ra, theo điều 51, những nhóm đối tượng này cũng cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể sau:

Người mua nhà ở xã hội – chung cư xã hội phải thuộc diện khó khăn về chỗ ở. Họ chưa được nhà nước giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Họ phải là những người đang trong thời điểm đi thuê, mượn nhà hay ở nhờ nhà của người khác, hoặc có nhà nhưng bị nhà nước thu hồi phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Để có thể mua nhà ở xã hội thì người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung trương nơi có nhà ở xã hội. Người thu nhập thấp muốn chung cư xã hội phải là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Nhà ở xã hội có được bán lại, thế chấp không?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, thì:

Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua. Chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trong thời hạn chưa đủ 5 năm kể trên, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước (trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư) hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án (trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở, với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Nhật Anh | Nhịp sống kinh tế

NguồnNhịp sống kinh tế
Bài cùng chuyên mục