Trái phiếu doanh nghiệp đang “phình to”, nguy cơ vỡ nợ thấy rõ
Trong rất nhiều rủi ro đang tồn tại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, thì rủi ro lớn nhất và thấy rõ nhất chính là nguy cơ vỡ nợ, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Trái phiếu doanh nghiệp đang “phình to”
Kể từ năm 2020, thời điểm ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thắt chặt tín dụng đối với các khoản vay liên quan đến bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp “phình to” bất thường.
Theo số liệu từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 đạt 657.000 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2020. Ước tính quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt khoảng gần 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 17,5% GDP.
Trong đó, bất động sản là nhóm phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất với tổng quy mô phát hành khoảng 244.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39%; tiếp theo là tổ chức tín dụng khoảng 223.000 tỷ đồng (36%), xây dựng (5%),…
Bước sang quý I/2022, thị trường trái phiếu tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về cả số lượng lẫn quy mô. Theo đó, trong quý, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.149 tỷ đồng/phiên, tăng 15,3% so với bình quân năm 2021.
Thị trường trái phiếu hiện có 424 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.606.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2021.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, lũy kế 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã phát hành khoảng trên 110.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước, khoảng 25.000 tỷ đồng.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: Trái phiếu doanh nghiệp đang có xu hướng “phình to”, tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Đơn cử như chất lượng trái phiếu chưa được kiểm soát chặt chẽ khi mức độ công khai, minh bạch thông tin còn bất cập, tỷ lệ phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo mức cao, chiếm khoảng 20% tổng số.
Bên cạnh đó, năng lực, uy tín của chủ thể phát hành trên thị trường chưa đảm bảo mức độ chính xác do thông tin còn thiếu minh bạch, chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín để đánh giá, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tỷ trọng cao gần 95%.
“Thực tế cho thấy, đã xuất hiện trường hợp vi phạm công bố thông tin, phải hủy giao dịch liên quan đến các đợt phát hành hơn 10.000 tỷ đồng của nhóm các công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh”, ông Lực nói.
Nền tảng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân còn yếu với mức độ am hiểu thị trường, kiến thức còn hạn chế, và chưa đa dạng.
Ngoài ra, khung pháp lý và quản lý, giám sát thị trường đã được quan tâm hoàn thiện nhưng thị trường phát triển nhanh, chủ thể tham gia tinh vi, đòi hỏi công tác này cần được rà soát, điều chỉnh phù hợp thời gian tới.
Nhận định thị trường trái phiếu trong thời gian tới, ông Lực cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp sẽ hết thời gian tăng “nóng” như 5 qua, khi các quy định của cơ quan quản lý được ban hành theo hướng siết chặt hơn, tiến hành khởi tố một số vụ việc vi phạm công bố thông tin để giảm bớt rủi ro, lành mạnh hóa thị trường
“Các quy định và biện pháp mạnh tay này sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn, với điều kiện cơ quan quản lý cần có “nghệ thuật” điều hành hợp lý như đã phân tích ở trên”, ông Lực nói.
Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp
Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá: Trong rất nhiều rui ro đang tồn tại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, thì rủi ro lớn nhất và thấy rõ nhất chính là nguy cơ vỡ nợ, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, khoảng 540.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn. Nếu siết quá mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể làm toàn bộ thị trường bất động sản đóng băng. Khi thị trường này đóng băng thì chuyện gì xảy ra cho các ngân hàng thương mại cũng rất đau đầu khi đối mặt với nợ xấu.
“Nguy cơ vỡ nợ là thấy rõ. Tôi thấy có vấn đề ở chỗ cơ quan chức năng đã không dám sát thường xuyên, đùng cái xảy ra vài sự cố thì quay lại giám sát chặt. Việc đình lại toàn bộ đã tác động lớn, các dự án mới không phát triển được, các dự án cũ không tiếp tục được”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Bàn về giải pháp, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trước mắt Việt Nam phải có bảng xếp hạng tín nhiệm trái phiếu giúp thị trường minh bạch hơn.
Đồng thời, Nhà nước cần có chế tài mạnh chứ không nên hình sự hoá. Thị trường tài chính mà hình sự hoá là vô cùng nghiêm trọng vì đây là thị trường niềm tin, thị trường tâm lý.
“Với những trường hợp lũng đoạn thị trường 1000 tỷ thì mức phạt có thể lên tới 2000 – 3000 tỷ đồng. Đằng này lũng đoạn 1000 tỷ đồng mà phạt có 1,5 tỷ thì quá thấp”, ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tăng cường giám sát. Các báo cáo tài chính doanh nghiệp phải trung thực, hệ số nợ là bao nhiêu.
Định Trần | Nhà báo & Công luận