Làm sao để hạn chế thực trạng “hợp đồng bảo hiểm mồ côi”?
Khách hàng mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance), khi xảy ra các vướng mắc lại không được xử lý thấu đáo. Vấn đề này đã được một số đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Thực tế cho thấy, có không ít người mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance), đến khi phát sinh các vướng mắc liên quan đến đóng phí, bồi thường thì không nhận được sự hỗ trợ của ngân hàng.
Những trường hợp này, thị trường gọi đó là “hợp đồng bảo hiểm mồ côi”, nghĩa là người mua không được tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm mà chỉ nhận được tin nhắn yêu cầu nộp tiền khi đến kỳ đóng phí.
Có những trường hợp khác, khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng được vài năm. Vì một lý do nào đó, ngân hàng dừng hợp tác với công ty bảo hiểm, khiến khách hàng hoang mang không biết hồ sơ của mình được giải quyết ra sao. Nhiều chủ “hợp đồng bảo hiểm mồ côi” chỉ còn biết đưa câu hỏi lên các diễn đàn, mong tìm được sự tư vấn, trợ giúp.
Liên quan đến thực trạng “hợp đồng bảo hiểm mồ côi”, Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực đánh giá rủi ro chính của bancassurance hiện nay là nhân viên ngân hàng còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức về các sản phẩm bảo hiểm. Điều này có thể dẫn đến chất lượng tư vấn sản phẩm không cao, đôi khi có thể gây cảm giác không thoải mái cho khách hàng. Theo TS. Cấn Văn Lực, để bancassurance phát triển lành mạnh, hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cần có quy định riêng đối với kênh phân phối này.
Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, trong phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Kinh doanh bảo hiểm những vấn đề như: chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tăng cường quy định, chế tài đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng; tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm; cần quy định thế nào để hạn chế “hợp đồng bảo hiểm mồ côi”;… đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Liên quan đến thực trạng “hợp đồng bảo hiểm mồ côi”, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, hiện nay chưa có đánh giá thực tế về hiện trạng “hợp đồng bảo hiểm mồ côi” trong khi đây là một loại hợp đồng số lượng rất lớn và đã xảy ra trên thực tế.
Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có những quy định chặt chẽ hơn về nội dung này, nhất là đối với từ phía công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm chỉ định kịp thời đại lý bảo hiểm giám sát việc chuyển giao các hợp đồng bảo hiểm này một cách kịp thời cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan.
Đồng thời đề nghị bổ sung đầy đủ các nội dung về tư vấn bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để hạn chế tình trạng “hợp đồng bảo hiểm mồ côi”.
Về các hành vi nghiêm cấm, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cũng đề nghị chỉnh sửa điểm c khoản 4 Điều 9 theo hướng là cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ì bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra mà không có lý do hợp phát.
Liên quan đến chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP. HCM) đề nghị Nhà nước cần phải có chính sách bảo vệ người mua bảo hiểm chứ không chỉ quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài,…vì như vậy rất chung chung.
Đại biểu này nhấn mạnh, dự thảo Luật cần phải có quy định về trách nhiệm của Nhà nước về chính sách bảo vệ đối với người mua bảo hiểm nhân thọ trong quan hệ với các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
A. Tuấn | Nhà báo & Công luận