Giá đất lên cao, bất động sản công nghiệp đang “chững” lại?

Việt Nam đang là một trong những điểm đến hứa hẹn của các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên mặt bằng giá đất tại Việt Nam đang bị đẩy lên rất cao đang đe dọa triển vọng tăng trưởng của bất động sản công nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, hiện Việt Nam có 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 KCN đang được quy hoạch. Một trong những ưu điểm của bất động sản công nghiệp Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực chính là giá đất vẫn còn thấp, nguồn nhân lực trẻ dồi dào.

Tuy nhiên, mặt bằng giá đất tại Việt Nam đang bị đẩy lên rất cao, trong khi đó, cơ sở hạ tầng, logistic cũng như chất lượng lao động chưa đồng đều cũng là điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ.

Mặt bằng giá đất tại Việt Nam đang bị đẩy lên rất cao đang đe dọa triển vọng tăng trưởng của bất động sản công nghiệp.

Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Công ty Cushman & Wakefield, cho rằng giá đất công nghiệp đã đẩy lên cao vượt qua kỳ vọng về chi phí thấp của nhà sản xuất.

Để tháo gỡ điểm nghẽn này, thị trường cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ cho các tỉnh còn đang nhiều dư địa để phát triển nhưng có vị trí xa các khu kinh tế trọng điểm.

Ngoài ra, bà Trang cho rằng một thách thức khác là cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Vì vậy. để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển công nghiệp, logistics và trở nên thu hút, cạnh tranh…. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng bao gồm hệ thống đường cao tốc, cảng biển nước sâu, nâng cao hệ thống điện nước, gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng.

Trong khi đó, theo báo cáo của Savills, trong quý I/2022, bất chấp đại dịch, đây là tháng thứ năm liên tiếp sản lượng công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng dương.

Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam đánh giá: Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và chiến dịch tiêm chủng thành công của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo cơ sở vững chắc cho các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi thị trường của Việt Nam.

Chuyên gia của Savills nhấn mạnh: Không thể phủ nhận rằng năm 2021 là một năm rất khó khăn, đặc biệt là với những làn sóng bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong vài tháng qua, từ cuối năm 2021 đến nay, chúng ta đã có một số bước phát triển tích cực, mới nhất là việc mở lại biên giới và miễn visa cho công dân của 13 quốc gia. Điều này rất có ý nghĩa với các chủ đầu tư cũng như khách thuê là các công ty đa quốc gia chưa thể đến Việt Nam.

“Các công ty này có thể đến xem dự án trực tiếp, ký hợp đồng thuê, thiết lập các cơ sở tại Việt Nam cũng như hoàn thiện giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC)”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường, ông John Campbell khẳng định trong thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong những năm qua trong việc khuyến khích các công ty chuyển đến Việt Nam, đặc biệt là trong nhóm ngành có giá trị gia tăng cao.

“Việt Nam cũng đưa ra ưu đãi về thuế cho các công ty công nghệ hoặc R&D, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thông minh”. ông John Campbell nói.

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục