Xăng tăng ‘kỷ lục’, doanh nghiệp vận tải đau đầu tìm cách… ‘sống sót’

Với mức giá tăng liên tục, đã có không ít doanh nghiệp vận tải lâm vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cho xe nằm bãi hoặc chấp nhận bán xe và chuyển công việc khác.

Ngày 13/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định tăng mạnh giá bán lẻ các mặt xăng, dầu. Theo đó, từ 15h cùng ngày, xăng E5 RON 92 bán lẻ tăng 880 đồng/lít, lên mức 31.110 đồng/lít. Xăng RON 95 bán lẻ tăng 800 đồng/lít lên 32.370 đồng/lít, mức cao nhất từ trước tới nay. Giá dầu diesel cũng tăng rất mạnh tăng cao hơn, ở mức 2.630 đồng/lít lên 29.020 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít lên 27.830 đồng/lít. Riêng dầu mazut giảm nhẹ về 20.350 đồng/kg.

Bán xe để gồng lỗ

Sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngành nghề tại TP. HCM nói chung và ngành vận tải nói riêng đang phải chịu nhiều áp lực trong việc phục hồi. Tuy nhiên, trước bối cảnh giá xăng dầu không ngừng “leo thang”, hàng loạt doanh nghiệp than khó vì không thể gồng lỗ.

Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, đại diện hãng xe Anh Thư (tuyến Đà Nẵng – TP. HCM) cho biết, hãng đã thanh lý 2 chiếc xe 45 chỗ để gồng lỗ, giờ chỉ còn lại 3 chiếc để cầm cự. Trong trường hợp xe không bán được, doanh nghiệp sẽ lâm vào tình cảnh vỡ nợ, phá sản.

“Xăng, dầu tăng giá liên tục khiến chúng tôi phải xoay sở rất nhiều. Nếu tăng giá vé thì khách họ không đi hãng của mình nữa. Giá dầu tăng kiểu này mỗi lần xuất bến là chấp nhận lỗ 4 – 5 triệu đồng/chuyến”, người này nói.

Nhiều doanh nghiệp vận tải không khỏi đau đầu trước áp lực tài chính vì giá tăng dầu tăng cao.

Đồng cảm với tình cảnh đó, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) chia sẻ rằng, hiện các doanh nghiệp vận tải vẫn đang lo rằng tình hình giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa, thậm chí cao tới 35.000 đồng/lít.

“Giá xăng dầu tăng cao như thế này, chúng tôi khó có lãi mà phải cố gắng cắt giảm tối đa chi phí vận hành và dựa vào lượng khách để cân đối số chuyến lượt sao cho phù hợp”, ông Bằng nói thêm.

Không dừng lại ở đó, theo ông Đào Ngọc Tuấn – chủ nhà xe Tuấn Duyên (chạy tuyến TP. HCM – Hà Nội), trước đây, chi phí dầu cho một chuyến xe Bắc – Nam chỉ khoảng 15 triệu đồng, nay đã hơn 30 triệu đồng, chưa tính khấu hao.

Được biết, không chỉ loay hoay giữa “bão giá” xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính để duy trì hoạt động và trả lương nhân viên.

Một đại diện công ty vận chuyên tại TP. HCM cho biết hãng cũng đang đau đầu với các chi phí vận hành.

“Đi từ TP. HCM vào Hà Nội và quay vào lại, một xe container tiêu tốn 1.500 lít dầu với chi phí khoảng 45,6 triệu đồng tính theo giá dầu hiện nay, tăng thêm 18 – 23 triệu đồng/chuyến so với cùng kỳ năm trước. Nhưng mỗi chuyến container chở hàng hóa thông thường chỉ thu được khoảng 80 triệu đồng, trong đó riêng chi phí xăng dầu đã tốn tới 45,6 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như cầu đường BOT, tiền công tài xế, ăn uống…”, vị này bộc bạch.

Mong giảm thuế, phí để “cứu” doanh nghiệp

Theo ông Trần Văn Thành – tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu (quận 12, TP. HCM), mỗi lít xăng dầu đang gánh tới 38% thuế phí trong cơ cấu giá. Vì thế, để doanh nghiệp có “sức” vượt qua khó khăn, cần giảm các loại thuế phí để “hạ nhiệt” giá xăng dầu, bởi mỗi lít xăng dầu đang gánh tới 38% thuế phí trong cơ cấu giá. Từ đó, điều này sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là chi phí vận chuyển, góp phần kéo giảm giá hàng hóa, đảm bảo ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cho rằng, nếu xăng dầu cứ trên đà tăng mà không có chính sách giảm thuế phí để hạ nhiệt giá xăng dầu thì họ khó có thể “sống sót” chờ tới ngày hồi phục.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế sau hơn 9 năm thi hành luật.

Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm này, cần thiết phải sửa đổi Luật Giá để khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 9 năm thi hành Luật giá và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

Luật Giá sẽ phải là một trong những công cụ pháp lý quan trọng để tham gia điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tiếp tục củng cố, nhất quán quan điểm về công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước được thực hiện theo cơ chế thị trường, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, khắc phục những mặt tồn tại như lợi ích nhóm, trục lợi, tiêu cực lãng phí; đồng thời phải có tính linh hoạt trong các trường hợp để ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh trong thực tiễn có tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Về bình ổn giá, Bộ Tài chính đề xuất danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá sẽ được giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở các nguyên tắc chặt chẽ được quy định tại Luật. Đồng thời, tăng cường phân công, phân cấp rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn.

Theo Bộ Tài chính, bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định. Theo đó, bám sát nội dung chính sách đã xây dựng, tại dự án Luật đã quy định chi tiết hơn các nguyên tắc bình ổn giá tại Điều 16 và cụ thể hóa các trường hợp áp dụng bình ổn giá bao gồm “trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai hoặc khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại Luật tình trạng khẩn cấp”.

Theo dự thảo Luật Giá (Sửa đổi), các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách.

Cụ thể, điều chỉnh biện pháp đăng ký giá gộp vào nội hàm biện pháp kê khai giá; theo đó biện pháp kê khai giá sẽ là biện pháp được thực hiện thường xuyên nhằm tạo kênh thông tin nắm bắt kịp thời các diễn biến về giá để đề xuất chủ trương bình ổn giá trong trường hợp cần thiết.

Điều chỉnh biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá trở thành một bước trong việc tổ chức thực hiện bình ổn giá nhằm giúp cơ quan quản lý xác định rõ nguyên nhân gây biến động về giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn các biện pháp bình ổn giá phù hợp với thực tế.

Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm và tổ chức thực hiện bình ổn giá. Theo đó, khi hàng hóa, dịch vụ có biến động tăng quá cao hoặc giảm quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, các cơ quan sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước: Bước 1 là kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hoá tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp; bước 2 là lựa chọn, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định; bước 3 là tổ chức triển khai và kiểm tra thực hiện biện pháp bình ổn giá.

Thúy Vy | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục