Áp lực chạy chỉ tiêu bán bảo hiểm khiến nhân viên ngân hàng bỏ việc

Việc áp buộc về chỉ tiêu bán bảo hiểm trở thành nỗi ám ảnh khiến cho nhân viên ngân hàng phải bỏ việc vì không chịu nổi áp lực.

Trong chán, ngoài thèm

Mới đây, trên một diễn đàn về tài chính – ngân hàng, câu chuyện viết đơn xin thôi việc sau 6 năm gắn bó với công việc nhân viên ngân hàng của thành viên có tên Thu Thảo đã đã nhận về hàng chục nghìn lượt tương tác, bình luận. Đa số các ý kiến đều đồng tình rằng, áp lực chạy KPI bán bảo hiểm mỗi tháng khiến cho họ “mất ăn mất ngủ”, mệt mỏi.

Sở dĩ, các ngân hàng đồng loạt giao chỉ tiêu bán bảo hiểm cho nhân viên là do những thương vụ hợp tác độc quyền giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng thương mại có thể mang lại lợi nhuận cho ngân hàng hàng tỷ đồng. Vậy nên, bộ phận nào ở ngân hàng cũng bị “dí” chỉ tiêu bảo hiểm.

Nhiều nhân viên ngân hàng cho rằng công việc hiện tại quá áp lực do phải “chạy” chỉ tiêu.

Anh Trần Tuấn Tú, nhân viên một ngân hàng cổ phần top đầu có trụ sở ở Hà Nội, đã quyết định nghỉ việc ở ngân hàng mà anh đã gắn bó 5 năm để tìm một công việc mới phù hợp hơn.

Xuất thân từ ngành tài chính – ngân hàng, ngay từ khi mới ra trường, anh đã nhận vào làm tại một ngân hàng lớn. Tưởng chừng như công việc này sẽ giúp anh ổn định tài chính và gắn bó lâu dài nhưng chỉ sau vài tháng, anh Tú đã phải “vỡ mộng”.

“Công việc của tôi là nhân viên tư vấn tài chính nhưng lúc làm việc thì không khác gì cán bộ ngân hàng mà chỉ có thể ăn lương khác tuyến. Thêm vào đó, tôi được giao chỉ tiêu xuống phải đạt được một số điểm bán hàng nhất định với nhiều hoạt động như cho vay, chạy thẻ tín dụng, bán bảo hiểm kèm khoản vay,…” – anh Tú giãi bày.

Với anh Tú, chỉ tiêu áp dụng cho anh phải giải ngân không dưới 10 khoản vay kèm bảo hiểm. Dù làm giờ hành chính nhưng hầu như anh cùng các đồng nghiệp khác đều làm tới 8h tối nhưng đều không được tính là tăng ca.

Trên thực tế, rất nhiều người như anh đã phải nghỉ việc hoặc chuyển sang bộ phận hỗ trợ vì không chịu nổi áp lực.

Làm ngân hàng nhưng lương chỉ đủ ăn?

Không ít người cho rằng tiền lương của nhân viên ngân hàng rất “dư dả” nhưng trên thực tế, lương cơ bản của nhân viên rất ít ỏi. Vì thế, để có thể kiếm thêm, nhân viên ngân hàng bắt buộc phải chạy chỉ tiêu bán bảo hiểm.

Bán bảo hiểm trở thành sự lựa chọn bất đắc dĩ của nhân viên ngân hàng.

Chị Thanh Thuý (31 tuổi, Hoàng Mai) quyết định nghỉ làm công việc ngân hàng ở Hà Nội để tìm kiếm công việc khách phù hợp hơn. Là bà mẹ có 2 con nhỏ, việc “chạy” KPI hàng tháng cùng với mức lương chỉ đủ ăn khiến chị không có thời gian chăm sóc cho gia đình.

“Không phải là lương thấp so với thị trường, nhưng với mức lương khoảng trên dưới 10 triệu, áp lực công việc lại quá lớn, ngày nào cũng phải lo chỉ tiêu đến bạc tóc. Trong khi đó, số lượng ngân hàng thì quá nhiều, cầu không đủ cung thì kiếm khách rất khó…” – chị Thuý chia sẻ.

Giống như chị Thuý, anh P.Q.V (36 tuổi) bắt đầu làm trong một chi nhánh ngân hàng lớn tại Thanh Hóa từ đầu năm 2014 với mức lương 12 triệu/tháng. Sau 4 năm, anh bắt đầu bị áp chỉ tiêu bán bảo hiểm với mức lương tăng lên 21 triệu/tháng.

Dù mức lương khá hơn so với đồng nghiệp nhưng anh Vinh vẫn không hài lòng bởi áp lực công việc và lương tâm nghề nghiệp.

“Áp lực doanh số khiến cho chúng tôi phải tìm mọi cách để chốt khách hàng. Thậm chí nhiều đồng nghiệp của tôi ép khách mua bảo hiểm mới được giải ngân. Làm ngân hàng thu nhập ko thấp so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, có thể nói là quá thấp so với áp lực công việc và rủi ro phải chịu” – anh P.Q.V cho biết.

Tại cuộc họp báo về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra – Giám sát NHNN cho hay, thời gian qua NHNN có nhiều văn bản chỉ đạo cũng như yêu cầu các ngân hàng tuyệt đối không để tình trạng có những nhân viên yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm mới được giải ngân.

NHNN sẽ thanh tra, giám sát các ngân hàng thương mại, nếu phát hiện các ngân hàng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Linh | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục