Quan hệ công và tư PPP chỉ có được khi các bên ứng xử với nhau như đối tác thực sự

Quan hệ đối tác công tư (PPP) chỉ được hình thành khi và chỉ khi các bên là khu vực công và khu vực tư nhìn nhận và ứng xử với nhau như những đối tác thực sự, nếu không sẽ không có được quan hệ đối tác công tư

Thị trường PPP Việt Nam mới bắt đầu hình thành

Từ 2016 tới nay, rất ít hợp đồng dự án theo phương thức PPP (đối tác công, tư) được ký kết, nhà đầu tư không mặn mà với PPP dù dư địa còn rất lớn và Luật PPP đã thực hiện được gần 2 năm. Thực tiễn thực hiện dự án PPP và BOT còn nhiều trở ngại.

Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư PPP là một phương thức hiệu quả. Ảnh minh họa.

“Việt Nam vẫn là một địa điểm đáng đến đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu, nhưng theo các nhà đầu tư châu Âu chất lượng cơ sở hạ tầng thấp và chi phí logicstic cao là điểm nghẽn đầu tư lớn nhất ở Việt Nam”, ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nói. Trong đó, theo ông, điểm nghẽn lớn nhất là chất lượng cơ sở hạ tầng yếu nhưng chi phí logicstic lại cao.

“Trong cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với các nhà đầu tư châu Âu tại châu Âu năm ngoái, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư châu Âu tham dự các cuộc gặp này đã tỏ rõ sự quan tâm tới cơ sở hạ tầng của Việt Nam bày tỏ mong muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường sắt, đường bộ, cảng biển, sân bay. Đây cũng là thế mạnh của châu Âu, cả, bên cạnh đó là tiềm lực tài chính…”, ông Nguyễn Hải Minh cho biết.

Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và nhu cầu hạ tầng lớn thì đầu tư theo phương thức hợp tác công tư PPP là một phương thức hiệu quả. Ông Minh kể lại câu chuyện vài năm trước, đã có vài doanh nghiệp châu Âu mang ý định đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam theo hình thức PPP. Họ đã tìm hiểu cả cách thức tự thực hiện dự án, lẫn đấu thầu hay mua lại dự án,cách hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp trong nước và cả mua lại….

“Nhưng sau hai năm tìm hiểu, họ đã phải từ bỏ vì gặp rất nhiều trở ngại. Đó là điều đáng tiếc”, ông Minh nói. Đầu tư từ châu Âu là dòng chất lượng cao, Châu Âu vẫn đang là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam.

Theo cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, thị trường PPP Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, với cơ chế, các yếu tố nội hàm của nền kinh tế còn chứa đựng nhiều rủi ro, thị trường vốn trong nước còn yếu kém, khó tiếp cận được thị trường vốn quốc tế…

Đặc biệt chưa có định hướng, chiến lược dài hạn, thống nhất, rõ ràng để thực hiện chương trình PPP và PPP trong CSHT. Trong khi dự án PPP có đặc thù phức tạp, với nhiều mối quan hệ ràng buộc giữa Nhà nước và nhà đầu tư, việc triển khai thực hiện dự án có nhiều rủi ro.

Còn nhiều trở ngại

PGS. TS. Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cũng nói rằng “rất tiếc, từ 2016 tới nay, rất ít hợp đồng dự án theo phương thưc PPP được ký kết”. Có tình trạng này vì việc đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có BOT đang gặp rất nhiều trở ngại.

Trở ngại lớn nhất, đó là sự bất bình đẳng giữa nhà nước và nhà đầu tư trong hợp đồng PPP. Bản chất của PPP là Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân cùng ký hợp đồng thực hiện dự án và hai chủ thể này bình đẳng với nhau. Nhưng “Cơ quan có thẩm quyền luôn nghĩ mình là cơ quan nhà nước có quyền quản lý và nhà đầu tư là đối tượng bị quản lý”, ông Chủng cho biết. Các nhà đầu tư quá mệt mỏi khi các cơ quan nhà nước quản lý các dự án này với vốn tư nhân đầu tư chiếm 80% nhưng được đối tác “soi” vào đủ thứ.

“Sự mất bình đẳng giữa “nhà nước và nhà đầu tư” là nguyên nhân quan trọng không hấp dẫn các nhà đầu tư dẫn tới bầu không khí ảm đạm của môi trường đầu tư còn rất mới này”, ông Chủng nói.

Hàng loạt trở ngại khác được chỉ ra như vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chưa có lời giải khả dĩ cho bài toán ngân sách, các ngân hàng không mặn mà cho nhà đầu tư vay thực hiện các dự án BOT, PPP…

Và ông Trần Chủng thấy buồn hơn khi cơ chế, chính sách hiện nay chưa khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể là việc quản lý đơn giá, định mức hiện nay đã hạn chế các nhà thầu, nhà đầu tư ứng dụng các giải pháp vật liệu mới, công nghệ mới nhằm đảm bảo chất lượng khai thác, kéo dài tuổi thọ công trình, mang lại lợi ích to lớn (ví dụ áp dụng vật liệu polymer làm lớp áo đường để không bị hằn lún vệt bánh xe, thời gian trùng tu kéo dài…). Tuy nhiên, các nhà đầu tư, các nhà thầu lo ngại khi các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra… vào cuộc họ sẽ dễ bị quy là vi phạm pháp luật vì vượt so với đơn giá, định mức được phê duyệt.

Nói về thực tiễn đang có không ít khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư BOT, PGS. TS. Dương Đăng Huệ – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp cho biết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (“Luật PPP”) và các văn bản hướng dẫn thi hành còn diễn ra khá phổ biến.

Bên cạnh đó là tình trạng cơ quan ký hợp đồng lạm dụng vị thế, quyền lực của mình để ép doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư chấp nhận yêu cầu của mình, kể cả những yêu cầu không phù hợp với quy định của pháp luật. Một số quy định trong pháp luật PPP không đảm bảo sự bình đẳng gây bất lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

“Tại sao chỉ có cơ quan ký kết hợp đồng dự án (cơ quan nhà nước) mới có quyền yêu cầu Kiểm toán nhà nước thực hiện việc kiểm toán, mà bên nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thì lại không, trong khi cả hai đều bình đẳng với nhau trong quan hệ hợp đồng”, ông Huệ nói.

Và hạn chế lớn nhất, đó là Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều quy định không cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, do đó đã và đang gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Dẫn ra một điểm chưa có quy định rõ ràng, ông Huệ nói: “Giải ngân đúng tiến độ là một nghĩa vụ cơ bản của Nhà nước nhưng thực tiễn Nhà nước không hiếm khi vi phạm nghĩa vụ này. Đây là một lỗ hổng của pháp luật PPP cần phải sớm được khắc phục”.

PGS.TS.Dương Đăng Huệ kiến nghị Quốc hội cần thực hiện hoạt động giám sát thực hiện Luật PPP. Đồng thời cần ban hành mẫu hợp đồng dự án PPP, trong đó có mẫu hợp đồng dự án BOT để làm cơ sở cho các bên ký kết và thực hiện các loại hợp đồng này – đây cũng là đề nghị của nhiều nhà đầu tư và chuyên gia.

Cho đến nay, nhiều hợp đồng mẫu PPP chưa được các bộ ban hành. Tiêu chí đầu tiên trong hợp đồng mẫu đó là mối quan hệ bình đẳng giữa công và tư. “Quan hệ đối tác công tư chỉ được hình thành khi và chỉ khi các bên là khu vực công và khu vực tư nhìn nhận và ứng xử với nhau như những đối tác thực sự, nếu không sẽ không có được quan hệ đối tác công tư”, Luật sư Lê Đình Vinh – Giám đốc công ty Luật Vietthink phát biểu.

Bên cạnh đó, các bên trong quan hệ này phải thực sự bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý. Trong hợp đồng mẫu PPP cần phải có sự hài hòa bình đẳng giữa hai bên công – tư.

Thứ hai là phải có bộ mẫu hợp đồng minh bạch và khả đoán, tức là các bên hiểu rõ hơn về quyền, nghía vụ và lường đoán được các vấn đề phát sinh.

Thứ ba là bộ hợp đồng mẫu PPP còn nhằm bảo vệ tốt hơn về an toàn pháp lý và bảo vệ thỏa đáng, có chế pháp lý hiệu quả để giải quyết các tranh chấp phát sinh. “Hiện nay trong các dự án BOT, cứ mỗi khi có sự phản kháng từ người tham gia giao thông là cơ quan nhà nước cho dừng thu phí, xả trạm, hoặc bỏ trạm… Tất cả rủi ro đó dự án phải gánh chịu, có chế này khiến nhà đầu tư không yên tâm đầu tư”. Đặc biệt các bên có thể rút lui khỏi dự án.

Ví dụ dự án BOT Cai Lậy, đã 5 năm rồi hai bên vẫn nhùng nhằng Chính phủ và Nhà đầu tư vẫn chưa đi đến được sự thống nhất cuối cùng. Nhà đầu tư muốn rút khỏi dự án cũng không xong, tiếp tục dự án thì cơ chế chưa thỏa đáng…

Để Luật đi vào cuộc sống và PPP, hay BOT hấp dẫn nhà đầu tư, ông Trần Chủng đề nghị cần khắc phục các cản trở về thể chế và năng lực triển khai thể chế của các cơ quan nhà nước.

Hà Anh | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công Luận
Bài cùng chuyên mục