Bão giá: Cơn ác mộng mới của thế giới

Sau đại dịch COVID-19, bão giá hay lạm phát thực sự đang là cơn ác mộng mới mà cả thế giới đang phải đối mặt. Từ đầu năm 2022 đến nay, lạm phát đã như đại dịch thứ 2, lan tràn, khuấy đảo tới khắp các quốc gia, các châu lục.

Lạm phát: Tiếng kêu than của toàn cầu

Nếu trước kia, lạm phát thường chỉ được coi là vấn đề thường trực, thường xảy đến ở các quốc gia nghèo đói hoặc đang phát triển, thì giờ đây, điều trớ trêu là trong cơn bùng phát bão giá 2022 này, những nước đang ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao nhất phần đa là các quốc gia phát triển vốn nổi tiếng là có nền kinh tế mạnh.

Lạm phát tại Mỹ vào tháng 5 vừa qua đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981. Trong đó, chi phí nhà ở, xăng và thực phẩm được coi là có sự gia tăng khủng khiếp nhất.

Châu Âu – khu vực ghi nhận tình trạng lạm phát tồi tệ nhất hiện nay.

Châu Âu – khu vực được xem là phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt của Nga- cũng chứng kiến mức gia tăng lạm phát đáng quan ngại. Đức – nền kinh tế vẫn được nhìn nhận là lớn nhất EU đang chứng kiến mức lạm phát mà các cơ quan thống kê nước này cho là cao nhất trong vòng 50 năm qua.

Theo số liệu do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) mới công bố, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế số một châu Âu đã chạm mốc 7,9% trong tháng 5/2022.“Đây là mức cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất”– Chủ tịch của Destatis, ông Georg Thiel cho biết.

Anh – quốc gia không kém phần phát triển cũng đang chứng kiến mức lạm phát được cho là cao nhất trong vòng 40 năm qua. Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, lạm phát tại Anh tháng 5 là 9,1%, cao nhất trong nhóm G7 và là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 3/1982.

Pháp – quốc gia láng giềng của Anh, tháng 6 vừa qua cũng được ghi nhận là có mức lạm phát của Pháp cao nhất kể từ năm 1991, giá tiêu dùng tại Pháp đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê được công bố ngày 29/6, lạm phát tại Tây Ban Nha đã tăng lên mức cao nhất trong 37 năm qua, ở mức 2 con số. Ngày 1/7, Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) cho biết, tỷ lệ lạm phát trong tháng 6/2022 tại Italy đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất kể từ khi Italy gia nhập đồng tiền chung euro năm 1999.

Tại châu Mỹ La tinh, lạm phát cũng khiến không ít quốc gia điêu đứng. Ngày 30/6, Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) chính thức thừa nhận lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh sẽ vượt“trần”mục tiêu do Chính phủ đặt ra trong năm thứ hai liên tiếp. Trong tháng 5 vừa qua, lạm phát của Brazil đã tăng lên mức 11,73%, và dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên 8,8% trong cả năm 2022.

Tại châu Á, tình hình cũng không khả quan hơn. Ngày 29/6, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết lạm phát nước này trong tháng 6 dự báo tăng cao nhất trong 10 năm qua. Tháng 5 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhanh nhất trong gần 14 năm. Tại Ấn Độ, lạm phát giá tiêu dùng lên tới 7,79% vào tháng 4, mức cao nhất trong 8 năm qua.

Cơn ác mộng chưa hẹn ngày kết thúc

“Khi triển vọng kinh tế còn mờ mịt, không ai biết lạm phát sẽ tăng cao thế nào và kéo dài bao lâu”– đó là nhận định đậm màu thở than của Jack Leslie, kinh tế gia cấp cao tại Viện Chính sách Resolution Foundation về tình hình lạm phát tại Anh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dự đoán ảm đạm ấy có lẽ sẽ không chỉ đúng với nền kinh tế Anh mà cả nền kinh tế toàn cầu. Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại công ty nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics, Andrew Kenningham, nhận định 2022 sẽ là một năm lạm phát đình trệ thuật ngữ mô tả sự kết hợp giữa giá cả tăng cao và tăng trưởng thấp) tại khu vực Eurozone.

Để đối phó với lạm phát, nhiều quốc gia đã có những giải pháp của riêng mình. Tại Malaysia, nơi lạm phát lương thực đang ở mức 5,2%, cao nhất trong 11 năm, Chính phủ Malaysia sẽ mở một gói hỗ trợ cao nhất trong lịch sử nước này, tương đương với 70 tỷ ringgit để kiềm chế giá xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng cũng như giá dầu ăn, bột mì và điện.

Thái Lan vừa cho biết sẽ tập trung vào việc kìm giá nhiêu liệu và lương thực – hai yếu tố chính khiến lạm phát của Thái Lan đang ở mức cao nhất trong 14 năm, vượt mốc 7% vào tháng 5. Indonesia đã tăng trợ cấp năng lượng lên 24 tỷ USD để kiềm chế giá năng lượng. Nhật Bản cũng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm của chính phủ để giải quyết lạm phát, trong đó tập trung làm việc kìm giá lúa mì, phân bón, thức ăn chăn nuôi và năng lượng.

Tại châu Âu, hồi tháng 5, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và những ngân hàng trung ương khác của châu Âu đã phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát dù đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế. Mỹ vừa tuyên bố sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu nhằm vào hàng hoá Trung Quốc nhằm kìm hãm đà tăng của lạm phát…

Tuy nhiên, đó hiển nhiên không là những giải pháp căn cơ nhất. Theo ông Indermit Gill – Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát toàn cầu có thể tăng cao hơn hiện tại nếu xung đột kéo dài hoặc các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga được áp đặt. Rõ ràng, một trong những yếu tố cơ bản đang nằm ở đó…

Hà Trang | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục