Nếu lạm phát xảy ra, thị trường bất động sản sẽ “sốt nóng” trở lại?
Trước những diễn biến phức tạp của thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát, khi giá cả của nhiều mặt hàng đang tăng cao. Trong trường hợp lạm phát xảy ra, dòng vốn sẽ trở lại bất động sản rất mạnh.
Thị trường đang chững lại
Trong báo cáo của các công ty nghiên cứu bất động sản như Đất xanh Services, DKRA hay Batdongsan.com.vn đã chỉ ra rằng, thị trường đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, điều này thể hiện qua việc cơn sốt đất ở nhiều địa phương đã hạ nhiệt, trong khi thanh khoản chững lại.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính (Hà Nội), giá bất động sản cuối năm sẽ diễn ra theo hai chiều hướng.
Thứ nhất, những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính không chịu được áp lực lãi suất sẽ phải cắt lỗ, khi đó giá sẽ giảm. Nhưng bộ phận này chỉ là số ít.
Ở hướng thứ hai, do những chính sách quản lý bất động sản hiện nay đang được làm chặt, khiến lượng hàng giảm đáng kể, phân khúc trung cấp, giá rẻ gần như không có, nên việc tăng giá của thị trường bất động sản vẫn có thể diễn ra vào dịp cuối năm.
Ông Thịnh phân tích, từ cuối năm 2020, thị trường bất động sản đã phát triển quá “nóng”, buộc cơ quan chức năng siết chặt quản lý hoạt động đầu cơ, có biện pháp để chống thổi giá.
“Giá bất động sản đã tăng cao, cách xa thu nhập trung bình của người lao động. Nên việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng để giá nhà phù hợp với thu nhập, mức sống hiện nay của người Việt Nam là quan trọng và hợp lý”, ông Thịnh nhận xét.
Nêu nhận định về diễn biến bất động sản cuối năm 2022 trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của VNDirect Research cho rằng, trong bối cảnh các cơ quan chức năng thắt chặt tín dụng vào bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chủ đầu tư có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn.
Do đó, hoạt động bán hàng có thể sẽ được đẩy mạnh trong khi việc mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại, điều này sẽ giúp giá nhà đất hạ nhiệt trong các quý còn lại.
Thị trường sẽ “sốt nóng” trở lại trong giai đoạn cuối năm do lạm phát?
Theo bà Võ Thị Vân Khánh, giảng viên Học viện Tài chính nhận định: Trước những diễn biến phức tạp của thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát, khi giá cả của nhiều mặt hàng đang tăng cao.
Trong trường hợp lạm phát xảy ra, bà Khánh cho rằng, dòng vốn sẽ trở lại bất động sản rất mạnh.
“Khi lạm phát cao, không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi, mà nguy cơ cả giới doanh nghiệp cũng muốn đổ vốn vào bất động sản do e ngại giá sản xuất đầu vào tăng nhanh. Nói cách khác, khi lạm phát cao, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh sẽ kém hấp dẫn hơn so với đầu cơ tài sản”, bà Khánh nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, bà Vân Khánh phân tích: Chính cuộc đua sở hữu bất động sản sẽ dẫn đến hiện tượng giá thị trường liên tục leo thang và các nguồn lực xã hội sẽ bị “chôn” hết vào đất. Đồng thời, thị trường bất động sản lúc này sẽ tích tụ nhiều rủi ro tiềm tàng.
Nếu tham gia vào giai đoạn sớm, tức là mua từ đầu với giá thấp thì rủi ro thấp; nhưng càng mua về cuối thì giá cao, rủi ro sẽ cao.
Bà Khánh cho biết: Về cơ bản, lạm phát và giá bất động sản di chuyển cùng hướng với nhau. Khi lạm phát tăng cao sẽ đẩy giá bất động sản lên theo. Nhưng giá quá cao thì tính thanh khoản sẽ kém.
“Trong quá khứ, lạm phát cao từng khiến giá bất động sản tăng cao và bị trì trệ. Người bán giữ giá cao, nhưng không có người mua”, bà Khánh nói.
Nói cách khác, lạm phát cao, giá bất động sản tăng, nhưng tính thanh khoản có thể không tăng tương ứng và làm xuất hiện nghịch lý: “Nhiều bất động sản, nhưng không có tiền”.
“Khi đó, việc dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho nhà đầu tư và gây áp lực lên hệ thống ngân hàng”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Do đó, bà Khánh khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc khi rót tiền đầu tư. Trong đó, những nhà đầu tư vốn mỏng nên đầu tư vào khu vực gần trung tâm, lợi nhuận ít hơn, nhưng dễ thanh khoản hơn và tập trung vào các nhu cầu ở thực với phân khúc căn hộ mức giá trung bình, nhà ở giá rẻ hay đất nền ven đô.
Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc lạm phát cao, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó để đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn, tránh thiệt hại do trữ tiền mặt nhàn rỗi.
Việt Vũ | Nhà báo & Công luận