“Bắt sâu nhổ cỏ”, làm trong sạch thị trường trái phiếu là cần thiết

Việc “gợn đục khơi trong”, “bắt sâu nhổ cỏ” là cần thiết, song “đánh chuột không được làm vỡ bình” cũng là yêu cầu thực tế để làm lành mạnh và bền vững thị trường trái phiếu.

Sự trở lại của trái phiếu bất động sản sau “cú sốc”

Tháng 4/2022, sau khi dàn lãnh đạo của Tân Hoàng Minh bị khởi tố về việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của các nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất ngờ rơi vào cảnh trầm lắng.

Doanh nghiệp bất động sản đang phát hành trái phiếu trở lại.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian trầm lắng, hầu như các doanh nghiệp bất động sản nằm “bất động”, mặc dù trước đó, bất động sản là ngành nghề có số lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất.

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 4/2022 đạt 16.472 tỷ. Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu đến từ các ngân hàng, hông ghi nhận đợt phát hành nào đến từ các doanh nghiệp bất động sản.

Dù vậy, xu hướng trầm lắng không kéo dài lâu. Ngay trong tháng 5/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu sôi động trở lại, các doanh nghiệp bất động sản cũng phát hành trái phiếu trở lại.

Cụ thể, trong tháng 5/2022, 24.105 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành. Đứng đầu là nhóm ngân hàng, với 14.629 tỷ đồng, chiếm 60,68% tổng giá trị phát hành.

Nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ hai khi phát hành 6.879 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 28,53% tổng giá trị phát hành. Sang tháng 6/2022 đã có 30.578,18 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ở thị trường trong nước và 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của một doanh nghiệp bất động sản.

Theo nhận định của giới chuyên gia, trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn hết sức quan trọng đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, với những doanh nghiệp cần sử dụng dòng vốn lớn như bất động sản, thì việc huy động vốn qua trái phiếu là điều hiển nhiên.

Trao đổi với phóng viên, Ths Nghiêm Anh Thư, khoa Tài chính – Ngân hàng, Đại học Ngoại thương Hà Nội cho rằng: Thực tế cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã phát triển rất nhanh kề từ năm 2018 tới nay. Nhưng, cũng chính vì sự tăng trưởng mạnh mẽ đó đã kéo theo nhiều bất cập.

“Trái phiếu Việt Nam triển nhanh nhưng chưa vững chắc, phát triển nóng và thiên nhiều về lượng hơn là chất, và sự tập trung nghiêng lệch cơ cấu vốn huy động vào lĩnh vực bất động sản”, bà Thư nói.

Cũng theo bà Thư, nhìn nhận từ vụ việc của Tân Hoàng Minh có thể thấy, sự phát triển thiếu vững chắc và lệch hẳn sang bất động sản đã khiến thị trường bị rung lắc dữ dội.

Bà Thư phân tích: Sự tập trung về cơ cấu và mức lãi cao của các trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản sẽ gây nguy cơ mất khả năng thanh khoản và trả lãi theo cam kết, từ đó kéo theo các tranh chấp và tổn thất tài chính, làm tổn hại quyền lợi, giảm niềm tin nhà đầu tư và hạn chế khả năng huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp.

Hệ lụy xã hội và rủi ro hệ thống càng lớn khi càng nhiều ngân hàng tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

“Nói cách khác, rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn tài chính của các nhà đầu tư cá nhân, cũng như các tổ chức tín dụng đã mua trái phiếu doanh nghiệp”, bà Thư nói.

“Bắt sâu nhổ cỏ”, làm trong sạch thị trường trái phiếu là cần thiết

Một số quan điểm cho rằng, sự mạnh tay của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thị trường trái phiếu đang phản tác dụng, khiến cho dòng vốn huy động bị đình trệ, như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế.

Việc “gợn đục khơi trong”, “bắt sâu nhổ cỏ” là cần thiết, song “đánh chuột không được làm vỡ bình” cũng là yêu cầu thực tế để làm lành mạnh và bền vững thị trường trái phiếu.

Riêng như bất động sản, việc kiểm soát thị trường trái phiếu nghiêm ngặt đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh không có vốn để phát triển dự án, nhất là các dự án liên quan tới nhà ở. Trong khi đó, giá nhà ở tại các đô thị lớn đang ngày càng leo thang.

Về vấn đề này, bà Anh Thư cho rằng: Việc “gợn đục khơi trong”, “bắt sâu nhổ cỏ” là cần thiết, song “đánh chuột không được làm vỡ bình” cũng là yêu cầu thực tế để làm lành mạnh và bền vững thị trường trái phiếu.

Theo bà Thư, việc xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán nói chung, và trái phiếu nói riêng chỉ là cá biệt và riêng lẻ, đây là hành động cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, ổn định thị trường vốn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần quán triệt thấu đáo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không lạm dụng, hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường chứng khoán.

Kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm, cũng được tạo điều kiện để khắc phục và ổn định sản xuất kinh doanh, nhằm giúp doanh nghiệp phát triển trở lại, bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư cổ đông và việc làm cho người lao động, duy trì động lực phục hồi và phát triển kinh tế.

Yêu cầu “đánh chuột không được làm vỡ bình”, xử lý hành vi sai phạm mà không làm ngưng đọng hay đổ vỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản liên quan càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong thời gian tới.

Bởi lẽ, tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản đang bị siết chặt, còn thị trường bất động sản đứng trước nhiều cơ hội bùng nổ, đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần lan tỏa tác động tích cực vào đà phục hồi, tăng sức bật phát triển kinh tế vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài trong bối cảnh “bình thường mới-hậu covid”.

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục