Giới trẻ Trung Quốc rơi vào cảnh “nợ nần chồng chất” với các khoản vay siêu nhỏ fintech

Các dịch vụ cho vay tài chính trực tuyến bùng nổ tại Trung Quốc thu hút nhiều người dùng trẻ tuổi, thu nhập thấp. Lợi bất cập hại, những ứng dụng này vô tình đẩy họ vào tình cảnh nợ nần chồng chất.

Dịch vụ cho vay nắm bắt tốt tâm lý người dùng

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cố gắng điều chỉnh thị trường tín dụng và cho vay tiêu dùng trực tuyến, khiến các công ty fintech – chẳng hạn như Ant Group, công ty có dịch vụ tín dụng vi mô trước đây đã phục vụ ít nhất 350 triệu người vay – đã phải tuân theo các tiêu chí quy định giống như các ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, thói quen “mua ngay, trả sau” đã bén rễ trong nhóm dân số trẻ.

Theo nhiều nguồn tin cho rằng: Các dịch vụ cho vay trực tuyến về cơ bản đã phủ sóng mạnh mẽ trên khắp các trang mạng xã hội, len lỏi trong mọi ứng dụng giúp người dùng có thể truy cập trên điện thoại của mình. Hình thức phủ sóng dồn dập này vô hình chung khiến giới trẻ cảm thấy việc vay tín dụng là điều quá đỗi đời thường, mà không hề mảy may đến hậu quả của nó.

Tâm lý di vay tín dụng trực tuyến gia tăng, chủ yếu do thu nhập thấp, hành vi mua sắm quá mức, tâm lý tài chính chưa vững ở những người trẻ. Ảnh minh hoạ: Perry Tse.

Khi Trung Quốc đưa ra lập trường cứng rắn về tín dụng trực tuyến đã thuyết phục nhiều công ty Công nghệ lớn thu hẹp quy mô hoạt động liên quan, tuy nhiên các dịch vụ nhỏ hơn đã gia tăng. Theo các nhà phân tích và người tiêu dùng, chính phủ hầu như không thể triệt tiêu, loại bỏ tất cả vì các khoản vay này phủ sóng rất nhiều.

Gary Wang, 25 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin với mức lương 8.000 nhân dân tệ (hơn 27 triệu VND), tuy nhiên vì hành vi mua sắm quá mức, anh hiện không thể trả tất cả các khoản mua sắm của mình, dẫu vậy anh vẫn tiếp tục mua. Cạn kiệt tài chính, anh bắt đầu để mắt đến các nền tảng cung cấp vay tín dụng. “Vay tiền từ các nền tảng trực tuyến dễ dàng hơn rất nhiều so với người quen”, anh chia sẻ.

Vào thời điểm nhận ra rằng mình không đủ khả năng chi trả cho cuộc sống của mình, anh đã vay 150.000 nhân dân tệ, chủ yếu là để ăn tối và trang trải chi phí hẹn hò.

Để trả các giao dịch mua sắm, “chốt đơn online”, cô gái 26 tuổi lần đầu tiên phải vay nợ trực tuyến. Dần dần, hành vi mua sắm đã “chai sạn” kéo theo các hóa đơn chồng chất, cô chuyển sang dùng nhiều kênh tín dụng hơn, cuối cùng tích lũy các khoản nợ trên 9 nền tảng bao gồm Alipay (Ant Group), Meituan, ByteDance’s Douyin và Qihoo 360.

Internet phát triển – Nợ tín dụng tăng dần

Do hệ thống ngân hàng chưa phát triển của Trung Quốc, nên tồn tại một thị trường “xám” cho vay tư nhân. Trong khi thế hệ lớn tuổi có thể vay từ các thành viên trong gia đình, Thế hệ Z nhanh nhạy tiếp cận tri thức kỹ thuật số đã quen với việc nhận hỗ trợ trực tuyến.

“Thật quá dễ dàng để thực hiện các khoản vay trên các nền tảng internet,” một người đi vay thuần thục họ Xia, sống ở tỉnh Hồ Bắc, cho biết. “Việc đi vay tín dụng cũng giống như cái cách mà bạn chuyển tiền từ tài khoản của mình, tất cả chỉ gói gọn bằng vài cú “click”.”

Được biết, một trong những ứng dụng mà anh Xia sử dụng để trang trải khoản nợ cá cược thể thao của mình là 有钱花 (Youqianhua) – nghĩa đen là “Tôi có tiền để tiêu”.

Theo trang web của ứng dụng, dịch vụ này thuộc công ty fintech khổng lồ của Baidu, hứa hẹn sẽ phê duyệt đơn đăng ký vay trong thời gian ngắn nhất là 30 giây, điều này được coi là khoản ưu việt của các ứng dụng vay tiền trực tuyến. Vì nếu phải đi vay một cách truyền thống sẽ thật phức tạp.

Hơn nữa, đi vay trực tuyến sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc đi vay tại ngân hàng, vốn thường phải có tài sản thế chấp và giấy tờ, hơn những thế tốn nhiều thời gian, thủ tục rườm rà hơn. Hầu hết các dịch vụ tín dụng trực tuyến chỉ cần yêu cầu số ID và các thông tin cá nhân cơ bản khác.

Trong khi các ngân hàng thông thường đang cố gắng bắt kịp bằng cách cung cấp tín dụng tiêu dùng nhanh hơn và dễ dàng hơn với các ứng dụng của riêng họ, tuy nhiên đây vẫn là lựa chọn khó có thể xảy ra đối với những người tiêu dùng trẻ tuổi – những người hiếm khi đến các chi nhánh ngân hàng thực hoặc mở các ứng dụng ngân hàng.

Bao Linghao, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu Trivium China, cho hay: “Các công ty Internet có thể kiếm tiền bằng các khoản cho vay vi mô vì các ngân hàng trong nước dường như thiếu sự sẵn sàng và nỗ lực để theo đuổi lĩnh vực này”.

Đối với nhiều nhà cung cấp dịch vụ internet, việc cung cấp tín dụng tiêu dùng cũng có thể tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh chính của họ: khi người tiêu dùng cân nhắc xem có nên đăng ký dịch vụ phát trực tuyến video hay mua túi xách từ nền tảng thương mại điện tử hay không, thì khả năng tín dụng dễ dàng có thể khiến mọi quyết định được đưa ra nhanh chóng hơn.

Được biết, các nền tảng như đại lý du lịch trực tuyến Trip.com, ứng dụng video ngắn Kuaishou và nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đều cung cấp quyền truy cập vào tín dụng tiêu dùng.

Rủi ro từ dịch vụ tín dụng trực tuyến

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, dư nợ cho vay tiêu dùng tại các tổ chức tài chính được cấp phép của quốc gia này ở mức 9 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối tháng 5, chiếm chưa đến 5% tổng dư nợ 200 nghìn tỷ nhân dân tệ của quốc gia này.

Theo ước tính của công ty nghiên cứu iResearch, các khoản vay tiêu dùng được cấp bởi các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc có thể lên tới 2 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối năm ngoái. Chính phủ không công bố số liệu thống kê về các khoản vay nhỏ từ các nền tảng trực tuyến.

Tang Yinan, một nhà nghiên cứu tại Viện Trung Quốc của Đại học Phúc Đán, cho biết các dịch vụ tín dụng trực tuyến khiến người tiêu dùng dễ bị tổn thương, vì họ có thể dễ dàng ký vào khoản nợ có lãi suất cao và các điều kiện không công bằng, chẳng hạn như các khoản phí bổ sung.

Một nhân viên bán xe hơi có trụ sở tại tỉnh ven biển Giang Tô chia sẻ mình đã ký hai hợp đồng khi đăng ký tín dụng thông qua nền tảng blog giống Twitter Weibo. Trong đó, một khoản vay có lãi suất 8%, trong khi khoản vay còn lại đòi phí dịch vụ 14% với Weibo đóng vai trò là người bảo lãnh. Tổng chi phí của hai khoản vay, cùng với các khoản phụ phí khác, lên tới 22,4%, ngoài khoản tiền gốc là 10.000 nhân dân tệ.

Vào ngày đầu tiên khi khoản nợ quá hạn, người đàn ông cho biết những người thu nợ đã nhanh chóng gửi cho anh một tin nhắn văn bản lúc 8 giờ sáng, các cuộc gọi lúc 9 giờ sáng.

“Tôi tràn đầy lo lắng và hối hận, nhưng tôi là người đã đi sai đường,” anh nói. “Có vô số lời đe dọa và cuộc gọi đòi nợ từ các số lạ trên khắp Trung Quốc.”

Những người đòi nợ sau đó đã xác định được danh tính của anh trên mạng xã hội, điều đó đã khiến anh bị căng thẳng tinh thần rất nhiều. Cuối cùng, anh đã trả được các khoản vay của mình với sự giúp đỡ của gia đình và thề sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm của mình.

Ngành công nghiệp fintech mang lại sự gián đoạn và tạo ra rủi ro tài chính khiến Bắc Kinh bối rối. Chẳng hạn, các chương trình cho vay ngang hàng (P2P) ở Trung Quốc đã chứng kiến một chu kỳ bùng nổ và phá sản chỉ trong vài năm, để lại một đống nợ xấu. Ngay cả với sự giám sát mới của Bắc Kinh đối với fintech, những lo ngại vẫn sẽ hiện hữu.

Khi nền kinh tế suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao mới, đây là cơ hội tốt để những ứng dụng vay tài chính trực tuyến nở rộ. Cảnh giác và tiêu dùng thông thái là điều mà các thế hệ thanh thiếu niên cần.

Lê Na (Theo SCMP) | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục