Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD trong năm 2022

Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, tuy nhiên năm 2022 toàn ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2022 là thời điểm các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là nỗ lực lớn của ngành dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD trong năm 2022

Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc với kim ngạch 16,94 tỷ USD tăng 19,5% so cùng kỳ; xuất khẩu vải đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất khẩu xơ sợi đạt 2,76 tỷ USD, tăng 4,4%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 734 triệu USD tăng 22,3%; xuất khẩu vải không dệt đạt 452 triệu USD tăng 25,5%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13,4 tỷ USD tăng 9,8% so cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng năm 2021.

Năm 2022 toàn ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt 43,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp tục thích ứng nhanh, kết cấu lại thị trường và thay đổi thiết bị công nghệ nhằm đáp ứng được yêu cầu cao từ các nước nhập khẩu.

Cũng theo VITAS, từ nay đến hết năm, ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức khi nguy cơ dịch tái bùng phát bởi các biến chủng COVID-19 mới vẫn đang hiện hữu.

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Bên cạnh đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… và diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, giá bông tăng 19,1%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây… làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20% – 25%.

Ngoài ra, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.

Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, Chủ tịch VITAS ông Vũ Đức Giang cho biết, bản thân các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng.

Tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang.

Với mục tiêu xuất khẩu 43,5 tỷ USD trong năm 2022, ông Giang cho rằng, các doanh nghiệp dệt may phải thích ứng nhanh, kết cấu lại thị trường xuất khẩu để không quá phụ thuộc vào một vài thị trường.

Cùng đó, thay đổi thiết bị công nghệ nhằm đáp ứng được yêu cầu từ các nước nhập khẩu, điển hình như yêu cầu về nhập khẩu sản phẩm tái chế vào thị trường EU.

Được biết, thời gian qua, VITAS đã và đang thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, dần hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình về năng lượng tái tạo, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu, quản lý lao động…

Tuấn Nguyễn | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục