Giá hàng hóa có thể lên 3 bậc nhưng khó giảm nửa bậc

Mặc dù giá xăng đã giảm gần 7.000 đồng/lít nhưng hàng hóa thiết yếu vẫn chưa giảm như kỳ vọng của người dân.

So với cuối tháng 6 vừa qua, mỗi lít xăng đã rẻ hơn từ 6.200 – 6.800 đồng, mỗi lít dầu diesel rẻ hơn 5.260 đồng. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đã khá vui mừng trước động thái này.

Tuy nhiên, sau nhiều lần giá xăng dầu phi mã, 2 lần điều chỉnh giảm giá sâu vừa qua, thị trường hàng hoá tiêu dùng thiết yếu gần như vẫn chưa bị tác động.

Giá xăng đã giảm nhưng hàng hóa thiết yếu vẫn chưa giảm như mong đợi của người dân. Ảnh minh họa

Chị ở Thanh Huyền (Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hàng hoá thiết yếu hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới sau khi giá xăng tăng, từ mớ rau tới thịt cá đều đã tăng giá và giữ ở mức cao.

Hiện, tại chợ truyền thống ở khu vực quận Hà Đông, giá thịt lợn sấn từ 110-120 nghìn đồng/kg; thịt ba chỉ, nạc vai, sườn, thăn 130 – 140 nghìn đồng/kg; thịt bò 260 – 280 nghìn/kg; rau muống 10.000 đồng/bó; mùng tơi 8.000 đồng/mớ; cà chua 30.000 đồng/kg…

Theo Công ty TNHH Bán lẻ BRG, từ đầu năm đến nay, các nhà cung cấp hàng hoá vào siêu thị đã tăng giá từ 5-15%. Hiện tại, với những mặt hàng thiết yếu như: gạo, trứng… so với ngành hàng khác thì mức
tăng là thấp nhất.

Còn nhóm dầu ăn do thiếu hụt nguồn cung trên thế giới và dầu ăn nhập khẩu bị hạn chế do cước tăng và sản xuất của doanh nghiệp trong nước hạn chế nên tăng 10 -15%. Những nhóm khác mà doanh nghiệp trong nước sản xuất được thì mức tăng nhẹ hơn, mức tăng từ 5-10%.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong nhiều năm qua, khi giá xăng dầu tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng ngay lập tức.

Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm tương ứng vì các doanh nghiệp cần thời gian để điều chỉnh, cân đối lại chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính. Do vậy, các tư thương và người buôn bán nhỏ vì lợi nhuận luôn chủ động và khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này.

Liên quan đến vấn đề giá hàng hóa bán lẻ, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, qua theo dõi giá hàng hóa bán lẻ nhiều năm, giá có thể lên 3 bậc nhưng khó giảm nửa bậc.

Hàng nghìn mặt hàng buôn bán tại các chợ truyền thống hiện đang bị thả nổi, không thể quản lý được bởi đó là mặt hàng tự do, nhiều thì bán rẻ, ít thì bán đắt.

“Hơn 80% hàng tươi sống ở chợ truyền thống chúng ta không quản lý được. Do vậy, muốn quản lý được giá thì các cơ quan chức năng phải chọn những mặt hàng thiết yếu để bình ổn. Trong lúc cấp bách thì phải có những biện pháp cấp bách. Điều này trong Luật giá của chúng ta cũng cho phép, muốn làm được thì lực lượng quản lý thị trường phải vào cuộc thực sự ” – ông Vũ Vinh Phú cho biết.

Theo ông Vũ Vinh Phú, tại thời điểm hiện nay, nên chọn những mặt hàng có biến động mạnh để đưa ra mức giá trần như: xăng dầu, sách giáo khoa, thịt lợn, thịt bò… bởi mức giá trần là “chiếc gậy” để kiểm soát giá, nhất là những mặt hàng đột biến giá mạnh, đột biến một cách vô lý.

Nếu giá các mặt hàng tăng lên 30% thì phải kiểm soát. Giá trần ở đây phải được áp dụng một cách linh hoạt tại thời điểm nhất định chứ không đặt trần mãi. Khi giá đã ổn định thì phải dỡ trần để hàng hóa được lưu thông bình thường. Chúng ta theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự quản lý của nhà nước, khi nào giá tăng đột biến và vô lý thì có quyền yêu cầu kê khai.

Tuấn Nguyễn | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục