Công nghiệp hỗ trợ trở thành mũi nhọn tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19

Các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo tại Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư, và đây đang là mũi nhọn trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch – Đầu tư vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm 63% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI.

Như vậy, vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số và bỏ xa các lĩnh vực hấp dẫn vốn ngoại thứ 2 và thứ 3 là bất động sản và sản xuất, phân phối điện. Điều này cho thấy, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ đang là mũi nhọn trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Đáng chú ý, không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Honda, Toyota,…

Chia sẻ về nguyên nhân khiến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn vốn FDI, theo ông Andrew Lee, Quản lý cấp cao, Bộ phận Phát triển kinh doanh thị trường Hàn Quốc – (Savills Việt Nam), cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc – đánh giá cao lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam nhờ lợi thế về nguồn lao động, ổn định chính trị và tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng.

Tuy nhiên, để các dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự mang lại hiệu quả cao và không ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác, Việt Nam cũng cần “khắt khe” hơn trong việc lựa chọn dự án, nhằm thu hút những dự án có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động và mang lại giá trị gia tăng cao, đồng thời hạn chế những dự án dùng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn lực.

Các địa phương bứt tốc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Cũng theo số liệu thống kê, trong lĩnh vực chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022, nhiều địa phương ghi nhận tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như Bắc Giang tăng 48,9%; Quảng Nam tăng 25,4%; Hà Giang tăng 23%; Bình Phước tăng 23,7%; Sơn La tăng 14,4%; Đắk Lắk tăng 10%; Bắc Ninh tăng 19,8%; Bạc Liêu tăng 8,9%…

Các địa phương bứt tốc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Một địa phương có mức tăng trưởng mạnh và ổn định là Hải Dương, tính chung 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tại Hải Dương ước tăng 16,9% trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 19,3% so với cùng kỳ.

Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 20,7%, sản xuất máy móc thiết bị tăng 31,1% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chính đó là tổ máy phát điện tăng 28,9%; bơm nước một tầng tăng 33,3%; máy khâu loại khác trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình tăng 29,9%…

Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 13,5% so với cùng kỳ; trong đó sản phẩm xe có động cơ chở được từ 5 người tăng 70,4%; tăng cao do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ và việc Công ty TNHH Ford Việt Nam đưa nhà máy sản xuất dòng xe mới vào hoạt động từ tháng 6/2021.

Đưa ra giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, theo Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa…

Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 20,7%, sản xuất máy móc thiết bị tăng 31,1% so với cùng kỳ.

Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ôtô, dệt may, da – giày, điện – điện tử, chế biến thực phẩm…

Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và côn nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật.

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục