Tổ ấm đặc biệt của những đứa trẻ bất hạnh

Từ những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, nhút nhát và mặc cảm với cuộc sống các con đã cởi mở, hòa đồng với mọi người khi được chăm sóc, nuôi dưỡng ở mái nhà đặc biệt mang tên Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai. Nhiều đứa trẻ đã trở thành những bác sỹ, đầu bếp, cán bộ xã…

Mái nhà đặc biệt

Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai, từ lâu đã trở thành “địa chỉ” quen thuộc của những mảnh đời bất hạnh hoặc không nơi nương tựa. Đặc biệt hơn, trung tâm còn là tổ ấm của hơn 60 em nhỏ từ 1-20 tuổi. Hầu hết các em đều là những đứa trẻ kém may mắn như mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ, gặp những vấn đề tâm lý.

Mỗi em một số phận, một hoàn cảnh bi thương song dưới mái nhà đặc biệt – Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai các con được sưởi ấm bằng tình thương yêu và trách nhiệm của những người làm công tác xã hội.

Hầu hết các em được trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc đều là những đứa trẻ kém may mắn như mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ, gặp những vấn đề tâm lý

Bé Tạ Thị Kim Ngân (2 tuổi) là một trong những trường hợp đặc biệt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai. Cháu Ngân bị bỏ rơi trước cổng của trung tâm cùng chiếc túi và khăn đắp khi mới lọt lòng. Đáng thương hơn, 2 mắt cô bé không thể mở được, người yếu ớt, xanh xao.

Sau một thời gian được nhân viên, cán bộ trung tâm chăm sóc, thường xuyên tập vật lý trị liệu sức khỏe Ngân đã dần ổn định. Em được đưa về cùng khu với các em nhỏ mồ côi ở trong trung tâm dưới tình yêu, sự chở che của mọi người nơi đây.

Tương tự, em Kpuih Pap (12 tuổi) cũng được trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng từ khi chỉ mới 3 tháng tuổi. Kuih Pap là đứa trẻ tiếp thu chậm, ít nói chuyện. Thế nhưng, bằng tình yêu thương của mình những nhân viên, cán bộ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai đã tận tình chăm sóc, cảm hóa các em.

Hàng chục đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai đều được trung tâm tổ chức cho đi học ở các trường công lập

Chị Phạm Thị Huệ, nhân viên có thâm niên hơn 10 năm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai, cho biết: “Em Kpuih Pap được Trung tâm cho đi học lớp 1, nhưng chỉ được một thời gian thì được trả về vì tiếp thu chậm, không hiểu bài. Nhằm giúp con dễ tiếp thu kiến thức, trung tâm đã mời cô giáo đến dạy kèm cho Pap ngay tại trung tâm. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Pap đã cởi mở, hòa đồng, ngoan ngoãn hơn rất nhiều. Đặc biệt, Pap còn biết đọc, viết những tên của mình, điều đó khiến tôi rất vui và hạnh phúc”.

Hàng chục đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai đều được trung tâm tổ chức cho đi học ở các trường công lập. Riêng những đứa trẻ khiếm khuyết, trung tâm sẽ tổ chức các buổi dạy riêng với chương trình đặc biệt để các em phát triển tốt về trí tuệ cũng như thể chất.

Riêng những đứa trẻ khiếm khuyết, trung tâm sẽ tổ chức các buổi dạy riêng với chương trình đặc biệt để các em phát triển tốt về trí tuệ cũng như thể chất

Bà Tạ Thị Anh Đào – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai, cho biết: “Mỗi em đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Khi vào trung tâm, các em rất khó hòa nhập, thích nghi với môi trường tập thể. Do đó chúng tôi luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất để họ không bị mặc cảm, luôn có nghị lực và cảm nhận được niềm tin vào cuộc sống này”.

Vượt qua rào cản cuộc sống, dựng xây tương lai tươi sáng

Nhằm giúp đỡ những đứa trẻ yếu thế có thể vượt qua rào cản cuộc sống, những nhân viên, cán bộ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai luôn túc trực, chăm sóc và tạo điều kiện để các em có thể hòa nhập với cuộc sống muôn màu.

Từ sự ân cần này, họ đã cảm hóa được nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt trớ trêu. Trong đó, phải kể đến hoàn cảnh của 3 chị, em Vũ Thanh Thảo (SN 2008), Vũ Thị Thanh Hiền (SN 2011) và Vũ Vinh Quang (SN 2012) ở huyện Chư Sê (Gia Lai) bị bố, mẹ bỏ rơi vào 2 năm trước.

Từ những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, nhút nhát và mặc cảm với cuộc sống các con đã cởi mở, hòa đồng với mọi người

Được biết, vì cuộc sống quá khó khăn nên mẹ của ba đứa trẻ phải vào Bình Dương làm công nhân, mỗi năm chỉ về nhà một lần. Một thời gian sau, vào năm 2020 người bố cũng đi khỏi nhà và bặt vô âm tín. Tìm kiếm cách liên lạc với bố mẹ không được, 3 chị em Thảo chỉ biết sống nhờ tình thương của hàng xóm,láng giềng. Khoảng 1 tháng sau, ba chị em Thảo được xã Chư Pơng (huyện Chư Sê) giúp đỡ chuyển đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai.

Tâm sự với PV, Thảo trải lòng: “Từ ngày được về với trung tâm, 3 chị em được các cô tận tình yêu thương chăm sóc và dạy bảo, em đã cảm nhận được tình yêu thương gia đình ở mái nhà đặc biệt này. Em rất biết ơn các cán bộ, nhân viên và tất cả mọi người tại trung tâm”.

Trung tâm thường kết nối với các nhà hảo tâm nhằm tìm nguồn tài trợ để tiếp tục nuôi dưỡng các em cho đến khi hoàn thành khóa học và ra trường có nghề nghiệp ổn định

“Tất cả các em nhỏ khi được đưa đến trung tâm đều rụt rè, nhút nhát. Nhiều em còn bất đồng ngôn ngữ, ít hòa nhập. Chính vì vậy, trung tâm luôn tích cực phối hợp với các nhân viên gần gũi, động viên các em để các con có thể vui vẻ, hòa nhập. Từ đó giúp các em tự tin đến trường, trung tâm cũng định hướng, giúp đỡ các em lựa chọn nghề phù hợp với bản thân”, bà Đào cho biết thêm.

Theo quy định của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai sẽ chăm sóc các em nhỏ tới 22 tuổi. Trong suốt thời gian ở trung tâm, các em được cán bộ, nhân viên hướng dẫn, chỉ dạy chấp hành tốt nội quy của Trung tâm cũng như nội quy của nhà trường. Nhờ vậy, hầu hết các em đều biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Theo quy định của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai sẽ chăm sóc các em nhỏ tới 22 tuổi

Được biết, nhiều năm qua trung tâm đã nuôi dưỡng nhiều em trưởng thành, thi đậu vào các trường đại học và làm những ngành nghề trong xã hội như: Bác sỹ, đầu bếp, cán bộ xã…

Bà Đào chia sẻ: “Dù có một số phận kém may mắn song khi đến với trung tâm các em rất ngoan ngoãn, chăm chỉ cũng vì vậy có rất nhiều em học giỏi, thi đậu vào các trường CĐ, Đại học nên việc hỗ trợ cũng tăng lên. Chúng tôi cũng thường kết nối với các nhà hảo tâm nhằm tìm nguồn tài trợ để tiếp tục nuôi dưỡng các em cho đến khi hoàn thành khóa học và ra trường có nghề nghiệp ổn định”.

Bài và ảnh:Trần Hiền | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục