Chuyển đổi số ngân hàng: Giao dịch qua ngân hàng đạt 8 triệu lần/ngày, giá trị lên tới 40 tỷ USD/ngày

Theo lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, sau 5 năm đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện nay có khoảng 8 triệu giao dịch thông qua ngân hàng/ngày. Giá trị giao dịch lên tới 900.000 tỷ đồng/ngày, tương đương với hơn 40 tỷ USD giao dịch qua ngân hàng.

Hiện nay, chuyển đổi số đang là nhiệm vụ trọng tâm của nhiều ngành, nghề trong nền kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng.

Ngân hàng hàng và mục tiêu chuyển đổi số

Trong Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh, tài chính-ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện.

Trong sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng”, diễn ra vào ngày 4/8, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Để triển khai định hướng, chỉ đạo và nhiệm vụ được giao một cách thống nhất, xuyên suốt, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Ban chỉ đạo do Thống đốc là Trưởng ban chỉ đạo, thành viên là thủ trưởng các đơn vị Vụ/Cục chức năng NHNN và Chủ tịch/Tổng Giám đốc một số tổ chức tín dụng (TCTD), trung gian thanh toán.

Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng là một cấu phần trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Kế hoạch được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch mặc dù được phân chia theo nhóm NHNN và các TCTD nhưng đều hướng tới việc phục vụ tốt hơn cho người dân, cho khách hàng.

“Để triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động,…”, Thống đốc NHNN cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Ngành ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, với mục tiêu rõ ràng: Nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số…

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN. (ẢNH: VGP)

Đặc biệt, các dịch vụ thanh toán số hóa 100%, còn về giải ngân cho vay của các công ty tài chính với các khoản cho vay nhỏ lẻ lên tới 70%.

Về khuôn khổ pháp lý, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC); hoàn thiện Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt;…

Về hạ tầng cho chuyển đổi số, cách đây 5 năm, một ngày có 50.000 giao dịch ngân hàng, hiện nay con số đã lên tới 8 triệu giao dịch/ngày. Giá trị giao dịch lên tới 900.000 tỷ đồng/ngày, tương đương với hơn 40 tỷ USD giao dịch qua ngân hàng.

Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây. Đã có sự kết nối liền mạch, khách hàng qua các ứng dụng mobile banking có thể xem mình dùng bao nhiêu số điện, thanh toán tiền, ngay lập tức kho dữ liệu gạch hóa đơn và hạch toán ngay.

Ngành ngân hàng đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái tích hợp toàn bộ hệ thống, hướng tới kết nối liên thông toàn bộ các bộ, ngành.

Về tài khoản, nhờ định hướng đúng của Chính phủ, cùng các quy định hiệu quả, tính đến tháng 6/2022, có tới 68% người trưởng thành mở tới tài khoản với hơn 114 triệu tài khoản ở các ngân hàng khác nhau. Trong đó, khách hàng trong tuổi 25-34 tuổi chiếm tỉ trọng lớn…

Các giao dịch mobile payment, mobile banking phát triển mạnh mẽ, phát huy tính hữu dụng đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19. Trong bối cảnh dịch diễn ra căng thẳng, hạn chế tiếp xúc, thì các giao dịch điện tử không tiếp xúc đã phát huy tác dụng.

NHNN khẳng định sẵn sàng cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng với chi phí hợp lý, tin cậy cho cả các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Chuyển đổi số ngành ngân hàng nhằm ngăn chặn một số hành vi phạm tội

Cũng trong sự kiện, ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Nếu chúng ta không thực hiện chuyển đổi số ngân hàng, thì các đối tượng tiếp tục lợi dụng 5 nhóm hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm giả mạo giấy tờ, xâm nhập hệ thống, lừa đảo khách hàng… Số lượng tiền đã được thống kê lên tới nhiều nghìn tỷ.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc: Bộ Công an sẵn sàng tiếp tục phối hợp với ngân hàng để tạo những bước đi thiết thực, đem lại lợi ích cho người dân, cho xã hội hiệu quả hơn. (Ảnh: VGP)

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, với nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Đề án 6, Bộ Công an sẵn sàng tiếp tục phối hợp với ngân hàng để làm sao tạo những bước đi thiết thực, đem lại lợi ích cho người dân, cho xã hội hiệu quả hơn.

Theo đó, Bộ Công an sẽ cùng với ngân hàng xác thực làm sạch kho dữ liệu của ngân hàng có từ trước tới nay. Việc này Bộ Công an đã làm thành công khi phối hợp với Bảo hiểm Xã hội dưới sự cho phép của Thủ tướng.

Việt Nam có thể xác thực sinh trắc học vân tay, mẫu mắt để đảm bảo độ tin cậy cao đối với khách hàng trong giao dịch. Dùng tài khoản định danh điện tử để thay thế cho tài khoản tạo lập của khách hàng, giúp giảm tình trạng giả mạo.

“Ngành ngân hàng cần tập trung phối hợp với Bộ Công an dựa trên nguyên tắc: Bảo đảm các văn bản pháp luật, đơn giản thủ tục; độ tin cậy, giải pháp bảo mật cao nhất; tạo niềm tin cho xã hội, doanh nghiệp và người dân khi ứng dụng tiện ích, hạn chế tối đa rủi ro trên môi trường điện tử”, ông Ngọc nói.

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục