Kiến nghị thu hồi đất dự án nhà ở xã hội, khi chủ đầu tư cố tình chậm tiến hành
Đại diện Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng cho rằng, Chính phủ cần thu hồi các quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân đang được sử dụng sai mục đích, hoặc chủ đầu tư cố tình chậm tiến hành.
Tốc độ phát triển nhà ở xã hội chậm chạp
Gần đây, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các Bộ, ngành phụ trách có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Thông báo 242, về việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030, trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Thực tế cho thấy, hiện nguồn cung nhà ở xã hội vẫn còn đang thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của thị trường. Trong đó có 4 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Đơn cử, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư, quản lý mua – bán, thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài; chưa tính đủ các chi phí hợp lý hợp lệ.
Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư; trình tự đầu tư còn rườm rà, thủ tục nhiều bước, chưa có cơ chế huy động hợp tác công – tư.
Thứ hai, Ngân sách nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội, các chính sách chưa thực tế để thu hút nhà đầu tư.
Thứ ba, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa thực hiện phủ kín quy hoạch làm cơ sở xác định quỹ đất nhà ở xã hội.
Nhiều địa phương cũng chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm; người đứng đầu chưa quan tâm, linh hoạt, vận dụng, đôn đốc, kiểm tra.
Cuối cùng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình…
Báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2022 cho thấy, cả nước đang triển khai 96 dự án nhà ở xã hội, cung ứng ra thị trường hơn 123.000 căn. Riêng tỉnh Bình Dương chiếm tới 42 dự án.
Trong khi đó, nhà ở cho công nhân hiện đang triển khai 24 dự án, với khoảng gần 21.000 căn hộ. Như vậy, trong thời hạn khoảng 8 năm tới, cả nước sẽ phải triển khai hơn 800.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Kiến nghị thu hồi quỹ đất sử dụng sai mục đích
Về vấn đề này, ông Hồ Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng cho rằng: Cần bổ sung nguồn vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để tạo dựng nhà ở xã hội nhằm giải quyết tồn tại nhiều dự án không thể triển khai do thiếu hụt nguồn vốn.
Theo ông Quang, hiện ngân sách bố trí mới chỉ 2.163 tỷ, khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết tồn tại nhiều dự án nhà xã hội không thể triển khai do thiếu hụt nguồn vốn.
“Chúng ta cần có chính sách khuyến khích để phát triển nhiều tổ chức, quỹ cho vay để phát triển nhà ở cho công nhân KCN như quốc tế như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp”, ông Quang nói.
Bên cạnh vốn, ông Quang cho rằng, Chính phủ cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách về nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất: nhóm nhà ở công nhân cần tách riêng với nhóm 10 đối tượng phát triển nhà xã hội, cũng như xây dựng bổ sung các quy định riêng đối với hệ thống nhà ở, phúc lợi cho công nhân trong pháp luật về đất đai, nhà ở và liên quan.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần ban hành quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội.
Cũng theo ông Quang, Việt Nam cần xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ giá để công nhân có đủ điều kiện mua, thuê nhà với đầy đủ công trình phúc lợi kèm theo. Thu hồi các quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân đang được sử dụng sai mục đích, hoặc chủ đầu tư cố tình chậm tiến hành.
“Cần cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính cho quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội mà hiện tại không khác nhà ở thương mại là bao, trong khi giá bán và lợi nhuận mang về lại thấp hơn nhiều. Điều này khiến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không mặn mà tham gia đầu tư”, ông Quang nhấn mạnh.
Việt Vũ | Nhà báo & Công luận