Doanh nghiệp ứng phó thế nào trước biến động thị trường những tháng cuối năm

Nhiều biến động phức tạp từ thị trường trong những tháng cuối năm khiến các doanh nghiệp phải chủ động kế hoạch, kịch bản, sẵn sàng ứng phó để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh.

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng qua đạt 133.700 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ, vượt mốc 105.400 doanh nghiệp của năm ngoái.

Đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản được phục hồi.

Có thể thấy, đây là những tín hiệu tích cực đối với kinh tế của đất nước sau 2 năm ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19. Đến thời điểm này, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản được phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua mốc trước đại dịch và dần có tăng trưởng là những tín hiệu rất khả quan.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn như giá nguyên, vật liệu…; tình hình địa chính trị phức tạp; lạm phát tăng cao và có thể kéo sang cả năm 2023… Do đó những tháng cuối năm sẽ là thử thách mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Theo ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, doanh nghiệp cũng phải tính toán đến những hạng mục đầu tư cần thiết. Những hạng mục nào chưa cần thiết tạm thời chưa đầu tư trong lúc này, khi biến động về tỷ giá, biến động ngoại tệ đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đồng thời, thúc đẩy việc mở rộng mối liên doanh, liên kết để thành lập tham gia vào các chuỗi, qua đó để doanh nghiệp cùng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần chọn những thị trường phù hợp để xuất khẩu hàng hóa, kết hợp với tái cấu trúc lại doanh nghiệp cho phù hợp để tiết kiệm mọi chi phí, để có khả năng phát triển trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp, ngành hàng cần chủ động nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế trong và ngoài nước.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết rất kỳ vọng vào việc đẩy nhanh các gói kích thích và phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ cho hoạt động khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nhất là các gói hỗ trợ thuế/phí đã triển khai và gói hỗ trợ 2% lãi suất sẽ được triển khai).

Bên cạnh đó, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các gói đầu tư công vào cơ sở hạ tầng cũng có thể kích hoạt một số lĩnh vực kinh doanh. Nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt được các hiệp định thương mại tự do và những khung khổ hội nhập/liên kết kinh tế thế giới hiện có để tăng cường mở rộng các thị trường mới và thâm nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị, thì nửa cuối năm vẫn kỳ vọng vào sự khởi sắc của khu vực kinh tế đối ngoại, đặc biệt là ở những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và giá trị gia tăng như nông nghiệp, thủy sản, đồ gỗ…

Trong bối cảnh nhiều yếu tố tốt – xấu đan xen, rủi ro và bất ổn vĩ mô toàn cầu tăng cao, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng các doanh nghiệp, ngành hàng cần chủ động nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế trong và ngoài nước để có những dự báo về thị trường (cả trong và ngoài nước) và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt và phòng ngừa các rủi ro kinh doanh tốt hơn.

Các doanh nghiệp, hiệp hội và ngành hàng cũng cần chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan nghiên cứu/tư vấn và chuyên gia kinh tế. Từ đó có những đánh giá về các phản ứng chính sách (trong và ngoài nước) liên quan đến một loạt các vấn đề kinh tế vĩ mô hoặc theo ngành/lĩnh vực.

Điều này giúp doanh nghiệp, ngành hàng hiểu biết hơn các kênh hỗ trợ chính sách của Chính phủ, nhất là tình hình triển khai các gói phục hồi kinh tế thời gian tới (mặc dù bao giờ cũng có độ trễ) để từ đó tận dụng tốt hơn các hỗ trợ này nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước những khó khăn, phức tạp và rủi ro môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp cũng cần củng cố lại văn hóa và nền tảng quản trị kinh doanh, thực hành liêm chính, quan tâm các chính sách nhằm hỗ trợ lao động và phát triển nhân lực.

Từ đó chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phù hợp chuẩn mực/thông lệ quốc tế và các hiệp định thương mại, gắn với các mô hình chuyển đổi số, qua đó tham gia sâu hơn và đạt giá trị gia tăng cao hơn của các doanh nghiệp/ngành/sản phẩm trong các chuỗi giá trị/sản xuất quốc tế và chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng trong nước.

Tuấn Nguyễn | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục