Quy hoạch tổng thể quốc gia: Trước mắt Hà Nội và TP.HCM sẽ là cực tăng trưởng

Sáng 16/8, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia Ngân hàng Thế giới về báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư, đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia. Do đó, để hoàn thiện, Việt Nam đã tham khảo một số bản quy hoạch của các quốc gia lân cận, phù hợp như Hàn Quốc và Malaysia.

TS Trần Hồng Quang, Viện trưởng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết: Trước mắt, trong giai đoạn đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ ưu tiên các địa phương có thuận lợi về địa lý, hạ tầng, nhân lực và cơ sở kỹ thuật sẵn có. Từ đó, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển theo.

Trước mắt Hà Nội và TP.HCM sẽ là cực tăng trưởng

Như vậy, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển vùng lõi và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi là Tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng.

Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi là Tứ giác TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó TP.HCM là cực tăng trưởng.

Ông Quang nhấn mạnh: Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và hướng Đông – Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Về vấn đề này, TS Dannay Leipziger, nguyên Phó Chủ tịch quản lý kinh tế và giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới, Giáo sư tại Đại học George Washington đánh giá cao bản Quy hoạch quốc gia của Việt Nam, dù đây mới là lần đầu tiên được xây dựng.

TS Dannay Leipziger nhấn mạnh: Trong bối cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay thì mô hình quy hoạch không gian cấp quốc gia của Hàn Quốc và Malaysia có nhiều điểm phù hợp, tương đồng để Việt Nam tham khảo.

Đơn cử như tại Hàn Quốc, Quy hoạch tổng thể lãnh thổ quốc gia (CNTP) là quy hoạch không gian cấp cao nhất, đóng vai trò hướng dẫn để lập quy hoạch cho từng ngành, lĩnh vực và quy hoạch của các địa phương.
CNTP bao gồm nội dung quy hoạch về từng lĩnh vực như cơ cấu không gian, đô thị, công nghiệp, văn hóa, kết cấu hạ tầng…

CNTP đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Hàn Quốc trở thành một nước phát triển.

CNTP của Hàn Quốc đề ra các chính sách về lãnh thổ và cách thực hiện ở cấp quốc gia trong một giai đoạn lịch sử nhất định, hiện thực hóa những giá trị mà quốc gia hướng tới như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển cân đối giữa các vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, hài hòa giữa phát triển và môi trường.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Quy hoạch tổng thể Quốc gia, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ rất mới, chưa từng làm, nên việc thực hiện rất phức tạp, liên quan tới nhiều vấn đề của đất nước, do đó, Việt Nam phải học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác và tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước.

“Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện, tiếp thu lấy ý kiến khoa học, chuyên gia quốc tế để báo cáo Quốc hội, Chính phủ dự kiến trong kỳ họp diễn ra vào tháng 10 năm nay. Do thời gian không còn nhiều, nhiều yếu tố phức tạp, nên rất cần được các đóng góp của nhiều đơn vị”, ông Dũng nói.

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục