Tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng

Đoàn chuyên gia đề nghị chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa sự tham gia của cộng đồng trong việc phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.

Ngày 17/8, Đoàn chuyên gia tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO do ông Artur Sá, chuyên gia cao cấp – Chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu châu Âu làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng.

Trước đó, từ ngày 14 đến 17/8, Đoàn chuyên gia UNESCO đã khảo sát đánh giá thực địa tuyến phía Đông trải nghiệm văn hóa bản địa “Xứ sở thần tiên” tại hai huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh; tuyến phía Bắc “Hành trình về với nguồn cội” tại các huyện Hòa An, Hà Quảng; tuyến phía Tây “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay” huyện Nguyên Bình.

Đoàn chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO kiểm tra điểm check in mới xây dựng tại điểm di sản Mắt Thần núi, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), tháng 5/2022. Ảnh: TTXVN

Trong quá trình tái thẩm định các điểm đến thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng, Đoàn chuyên gia đã thu thập tài liệu, trải nghiệm nhiều hoạt động đa dạng. Từ đó, các chuyên gia đưa ra những góp ý để Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng phát triển hơn.

Tại buổi làm việc, Đoàn chuyên gia đề nghị tỉnh cần thể hiện được thông tin về mạng lưới công viên địa chất toàn cầu trên các bảng thông tin ở điểm đến thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.

Tỉnh cần tăng cường hoạt động giáo dục cộng đồng cho học sinh về biến đổi đổi khí hậu, thảm hoạ thiên tai, thông tin về Chương trình phát triển bền vững về chống biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai của Liên hợp quốc.

Đồng thời, tỉnh cần chú trọng bảo tồn ngôn ngữ dân tộc. Các bảng thông tin có thể thêm một ngôn ngữ là tiếng dân tộc của đồng bào Tày, Nùng hoặc tiếng Dao; tăng cường hơn nữa sự tham gia của cộng đồng trong việc phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.

Đoàn chuyên gia mong muốn Cao Bằng tiếp tục phối hợp, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để đăng cai Hội nghị Công viên địa chất châu Á – Thái Bình Dương năm 2024.

Một số hình ảnh về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng (Nguồn: VOV):

Thác Bản Giốc – thắng cảnh đẹp nằm trong Công viên Địa chất non nước Cao Bằng
Non nước Cao Bằng
Quần thể hồ Thang Hen cùng núi Mắt Thần Phja Piót có hang thùng trên đỉnh ở độ cao 50m, soi bóng xuống mặt hồ với màu xanh biếc
Cao Bằng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử và là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, như Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao, Sán Chay…
Du khách trải nghiệm thu hái chè cùng bà con bản địa Cao Bằng

Đánh giá cao nỗ lực của Đoàn chuyên gia trong tái thẩm định Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng, ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, những kiến nghị của Đoàn chuyên gia về chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc được hưởng lợi từ Công viên địa chất toàn cầu cũng là trăn trở của tỉnh.

Ông Lê Hải Hòa mong muốn, bằng những kênh phù hợp, Đoàn chuyên gia sẽ có tiếng nói, kêu gọi, kiến nghị tổ chức nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Cao Bằng để người dân được hưởng lợi từ những chương trình, hành động thiết thực.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, những kiến nghị của chuyên gia sẽ được tỉnh Cao Bằng chỉ đạo để phối hợp đồng bộ với các ngành trong việc bảo tồn Công viên địa chất UNESCO non nước Cao Bằng và phát triển du lịch.

Thế Vũ | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục