Thiếu lao động có kỹ năng: Thách thức lớn trong cân đối cung cầu thị trường lao động

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 26 % đang là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong cân đối cung cầu của thị trường lao động.

Dưới tác động của đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ.

Trong đó nổi lên thách thức lớn về các thay đổi yêu cầu kỹ năng đối với người lao động và sự thiếu hụt lao động có kỹ năng. Điều này khiến cho việc khớp nối cung cầu trên thị trường lao động ngày càng khó hơn, nhất là ở những vị trí, yêu cầu kỹ năng cao.

Cần phải xây dựng, tạo lập được nguồn cung lao động hiện đại với chất lượng nhân lực cao.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26 %; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 do VCCI thực hiện cho thấy khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%);

Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%). Điều này cho thấy yêu cầu kỹ năng càng cao thì càng khó tuyển dụng lao động.

Thông tin từ Bộ lao động – Thương binh & Xã hội cho biết, Việt Nam hiện là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số ít nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bày tỏ lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp.

Các doanh nghiệp FDI luôn luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và năng suất lao động cao. Nguồn lực chất lượng cao nếu không được chú trọng cải thiện trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.

Để thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập sẽ đòi hỏi phải xây dựng, tạo lập được nguồn cung lao động hiện đại với chất lượng nhân lực cao.

Liên quan đến vấn đề thiếu hụt lao động có kỹ năng, ông Phạm Tấn Công cho biết, việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo.

Tuy nhiên, sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động.

Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại.

Cơ cấu thị trường đang thay đổi mạnh mẽ với tốc độ nhanh sẽ ngày càng yêu cầu nhiều loại kỹ năng hơn. Do đó, Việt Nam phải có những chính sách linh hoạt, hướng tới tương lai và dựa trên bằng chứng để có thể sớm phát triển được thị trường lao động một cách phù hợp.

Tuấn Nguyễn | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục